Để hoạt động của các hội thẩm nhân dân không “mờ nhạt”

10:51, 31/10/2014

“Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân (HTND) ngang quyền với Thẩm phán; độc lập và thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Chức năng, quyền hạn được quy định rõ như vậy, nhưng hoạt động tố tụng của nhiều HTND còn “mờ nhạt”, chưa phát huy được trách nhiệm khi tham gia xét xử quá ít các phiên tòa và chất lượng xét xử còn hạn chế”. Đó là nhận xét của Thẩm phán Hoàng Văn Kiên, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) T.X Sông Công về hoạt động của các HTND thị xã.

Theo thống kê của TAND T.X Sông Công, từ tháng 11-2013 đến 30-9-2014 (trừ Hội thẩm Vũ Anh Tuấn đã chuyển công tác lên Ủy ban MTTQ tỉnh không tham gia xét xử vụ án nào), 22/22 HTND đều tham gia, ít nhất một phiên xét xử, tuy nhiên, số người tham gia từ 1-3 vụ/năm chiếm tới gần 1 nửa; cá biệt có HTND Trần Đình Vũ (Chủ tịch Hội Nông dân phường Bách Quang) tham gia tới 43 vụ/năm. Hội thẩm Trần Đình Vũ cho biết: Được Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo phường tạo điều kiện nên tôi đã sắp xếp thời gian, công việc để có thể tham gia các phiên tòa xét xử với hiệu quả cao nhất. Ngoài nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để tham gia công tác xét xử, tôi còn làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật tới người dân.

 

Từ khi được HĐND thị xã bầu vào chức danh HTND, mỗi năm, Hội thẩm Hoàng Văn Pha (Trưởng phòng Quản lý đô thị T.X Sông Công) chỉ tham gia từ 1-2 vụ án xét xử của TAND  thị xã. HTND Hoàng Văn Pha lý giải: Là lãnh đạo phụ trách phòng nên tôi rất nhiều việc. Trước thời điểm tháng 10-2014, đồng chí Trưởng phòng nghỉ chế độ, tôi là Phó Trưởng phòng phụ trách nên phải giải quyết nhiều đầu việc, riêng đi họp bên khối UBND đã chiếm phần lớn thời gian. Do vậy, tôi thấy mình cũng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của một HTND tham gia những phiên tòa xét xử.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo TAND T.X Sông Công, có gần 1 nửa số HTND của T.X Sông Công tham gia ít các phiên tòa xét xử với lý do “bận quá nhiều việc”. Ông Đào Duy Minh, Trưởng Đoàn HTND T.X Sông Công bày tỏ: 100% HTND hiện đang công tác ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Vì là kiêm nhiệm nên kiến thức chuyên môn chưa nhiều, thời gian cuối năm cũng là lúc các cán bộ này, nhất là các lãnh đạo phòng ban chuyên môn của thị xã bận việc chỉ đạo xây dựng sơ, tổng kết… chi phối nên ít bố trí được thời gian tham gia xét xử ở các phiên tòa. Riêng tôi, năm nay cũng chỉ tham gia xét xử 1 phiên lưu động của TAND thị xã.

 

Theo Điều 21, Quy chế làm việc của TAND T.X Sông Công thì: HTND tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do pháp luật tố tụng quy định; trường hợp từ chối việc tham gia xét xử thì trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, phải có văn bản nêu rõ lý do và gửi cho Chánh án TAND thị xã để xem xét, cử Hội thẩm khác tham gia xét xử.

 

Quy định là vậy nhưng thực tế thì không phải HTND nào cũng chấp hành nghiêm Quy chế làm việc này. Một cán bộ văn phòng TAND T.X Sông Công tâm sự: Phụ trách việc liên hệ với các HTND để mời họ tham gia các phiên tòa xét xử tôi thấy với các đồng chí đang làm việc ở các phòng ban chuyên môn của thị xã thường từ chối không tham gia phần lớn các phiên tòa. Riêng tháng 9-2014, TAND T.X Sông Công xét xử 21 vụ, có 6 vụ các HTND thông báo không tham dự được, phải cử bổ sung người khác.

 

Còn ông Trần Triệu Thắng, Phó Chủ tịch HĐND T.X Sông Công cho rằng: Chất lượng xét xử của một số HTND còn hạn chế ngoài nguyên nhân họ là kiêm nhiệm, bận nhiều việc chuyên môn còn có người trách nhiệm chưa cao. Khắc phục điều này, khóa tới, chúng tôi sẽ đề nghị HĐND thị xã thắt chặt hơn việc phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp giới thiệu, bầu các HTND thực sự có năng lực, trách nhiệm. Đồng thời hết sức tạo điều kiện để họ thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Còn Chánh án TAND T.X Sông Công kiến nghị: Nhiệm kỳ tới, đề nghị HĐND T.X Sông Công xem xét, lựa chọn một số hội thẩm là cán bộ nghỉ hưu, có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm trong việc tham gia xét xử. Như vậy, họ mới bố trí được thời gian, công sức, đầu tư hiệu quả, để các HTND không bị “lép vế”, bị đánh giá là “có cũng như không” trong các phiên tòa.