Đừng bao giờ đánh mất niềm tin

09:17, 29/10/2014

Ở tuổi đôi mươi, là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Cơ khí Luyện kim Thái Nguyên, tương lai của anh Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1984) hứa hẹn nhiều tươi sáng. Nhưng sau vụ tai nạn giao thông (năm 2005), anh Nam đã phải cắt bỏ bên chân trái. Sau một thời gian suy sụp, mất phương hướng nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và ý chí bản thân, anh Nam đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Anh còn trở thành vật động viên khuyết tật của tỉnh giành nhiều Huy chương trong các lần thi đấu thể thao giành cho người khuyết tật.

 Chúng tôi tìm về xóm Ngân, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) nơi ở của gia đình anh Nguyễn Văn Nam nhưng ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Hỏi hàng xóm mới biết anh Nam đang ở ngoài vườn trồng rau. Thoạt nhìn, chúng tôi không nghĩ anh Nam là người khuyết tật bởi thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh, thao tác nhanh nhẹn và thành thạo. Chỉ đến khi anh Nam di chuyển mới thấy những bước đi khó khăn. Tạm dừng công việc, anh Nam mời chúng tôi vào nhà. Dáng vẻ tự tin, cởi mở, anh Nam chia sẻ với chúng tôi: Khi bị tai nạn giao thông, phải cắt bỏ 1 bên chân do hoại tử, tôi hoang mang, chán nản, cả ngày chỉ nằm trên giường. Thời gian đầu, tôi sống khép kín, không giao lưu với ai, dù bố mẹ khuyên thế nào cũng không làm tôi thoải mái. Năm 2006, có người giới thiệu tôi tham gia Câu lạc bộ Thể thao dành cho người khuyết tật. Lúc đầu, tôi ngần ngại không muốn tham gia vì nghĩ mình đi lại còn khó khăn thì làm sao tham gia thi đấu thể thao được. Sau đó, bố mẹ động viên nên tôi đã đăng ký”.

 

Đối với anh Nam, các môn thể thao, như: Đẩy tạ, ném lao, ném đĩa vô cùng lạ lẫm vì chưa bao giờ tiếp xúc. Khi bắt tay vào tập luyện anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các vận động viên khuyết tật khác và sự hướng dẫn tận tình của huấn luyện viên công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì khả năng thi đấu của anh Nam tiến bộ rất nhanh. Ngay năm đầu tiên (năm 2006), anh tham gia thi đấu đã giành Huy chương Đồng môn đẩy tạ. Những năm tiếp theo, anh đều giành giải cao và riêng năm 2014, anh đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng. Nhìn 18 tấm Huy chương các loại, trong đó có 12 Huy chương Vàng được treo trang trọng trong nhà, anh Nam tự hào tâm sự: Với tôi thì thi đấu thể thao là niềm vui, niềm đam mê, giúp tôi tự tin và có thể lực tốt. Qua những giải thi đấu, tôi được gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người có chung hoàn cảnh tương tự để học hỏi, động viên nhau cùng tiến bộ. Từ thực tế bản thân, tôi nhận thấy một điều: Dù khó khăn đến mấy, nếu mình có ý chí, không đánh mất niềm tin là thì sẽ vượt qua.

 

Bố mẹ đều làm nghề nông nên kinh tế rất khó khăn. Nhất là khi anh Nam bị tai nạn, gia đình phải vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị trong thời gian anh nằm viện. Thời gian mới từ bệnh viện về nhà, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Nam đều phải có người thân phụ giúp. Do vậy, ông Nguyễn Văn Vượng, bà Phạm Thị Hiền (bố, mẹ anh Nam) phải thay nhau ở nhà chăm sóc. Thương bố mẹ vất vả, anh xin tiền mua chân giả để tập đi lại. Những lần ngã đau điếng người không khiến anh nhụt chí tập luyện. Từ chỗ phải vịn tay vào tường đến khi đi thành thạo bằng chiếc chân giả là cả một quá trình gian khổ. Bà Phạm Thị Hiền chia sẻ: “Kể từ khi anh Nam đi lại được, công việc hàng ngày trong gia đình Nam đều làm. Chính vì vậy, vợ chồng tôi có thời gian để đi làm xa kiếm tiền nên hiện tại kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn”. Ngoài thời gian tham gia luyện tập, đi thi đấu thể thao, anh Nam tranh thủ ra vườn cuốc đất trồng rau, lao động giúp anh Nam thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.

 

Mỗi năm, anh Nam cùng các vận động viên khuyết tật của tỉnh phải tập trung một tháng để tập luyện cho thi đấu. Thời gian đầu tập luyện, anh Nam chịu sự đau đớn bởi mỗi lần lấy đà ném lao, ném đĩa khiến bên chân giả thúc mạnh vào đầu xương đùi hay mỗi khi cố sức di chuyển thật nhanh là bên chân bị tổn thương lại đau nhức. Nhưng được sự động viên của gia đình, huấn luyện viên cùng với nghị lực của bản thân, anh Nam đã vượt qua được những trở ngại, thi đấu với mong muốn cùng đồng đội tô thắm thêm thành tích thể thao của tỉnh.

 

Anh Lê Văn Hiệp, Phó phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) là huấn luyện viên trực tiếp hướng dẫn anh Nam ngay từ ngày đầu tham gia, nhận xét: Tôi đã từng nhiều năm trực tiếp hướng dẫn luyện tập và tổ chức đưa Nam đi thi đấu nên hiểu rất rõ hoàn cảnh gia đình, cũng như tính cách, khả năng của Nam. Với 18 tấm Huy chương, trong đó có 12 Huy chương Vàng trong thời gian 8 năm là thành tích kỳ diệu với một vận động viên khuyết tật. Ai đã từng tiếp xúc, luyện tập và chứng kiến Nam thi đấu  thì không chỉ nể phục mà còn học được ở người thành niên khuyết tật này ý chí kiên cường và tinh thần đồng đội rất cao.