Được vay vốn tới 1 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm

08:02, 07/10/2014

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, người lao động có thể được vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo quy định tại Luật việc làm, Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.

 

Vay vốn tối đa 1 tỷ đồng/dự án, 50 triệu đồng/người lao động

 

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mức vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm như sau: Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vay tối đa là 1 tỷ đồng/1 dự án và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng/1 người lao động được tạo việc làm.

 

Về lãi suất cho vay, theo dự thảo, đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật việc làm bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật việc làm bằng 50% lãi suất theo quy định trên. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

 

Thời hạn vay vốn được Bộ này đề xuất cụ thể như sau: Đối với người lao động, thời hạn vay vốn tối đa 24 tháng áp dụng đối với các dự án sau đây: Nuôi trồng và chế biến nông - lâm - ngư nghiệp; sản xuất tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ thương mại nhỏ.

 

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn vay vốn tối đa 12 tháng áp dụng đối với các dự án sau đây: Nuôi trồng và chế biến nông - lâm - ngư nghiệp có thời gian sinh trưởng đến 12 tháng; dịch vụ thương mại nhỏ.

 

Thời hạn vay vốn tối đa 24 tháng áp dụng đối với các dự án sau đây: Nuôi trồng và chế biến nông - lâm - ngư nghiệp có thời gian sinh trưởng từ 12 tháng đến 24 tháng; sản xuất tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ thương mại.

 

Thời hạn vay vốn tối đa 36 tháng áp dụng đối với các dự án sau đây: Nuôi trồng cây công nghiệp, cây nguyên liệu; đầu tư mua thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp; xây dựng, mở rộng nhà xưởng.

 

Quy trình vay vốn

 

Để được vay vốn, người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

 

Việc thẩm định, phê duyệt dự án cho vay được dự thảo nêu rõ như sau: Đối với các dự án thuộc nguồn vốn do địa phương quản lý, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn của người vay, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định về chỉ tiêu việc làm của  Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện thông báo cho người vay.

 

Đối với các dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội quản lý, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vay vốn của người vay, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tổ chức thẩm định trình Thủ trưởng cơ quan thực hiện Chương trình cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện thông báo cho người vay.

 

Điều 12 Luật việc làm quy định:

1. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;

b) Người lao động.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;

b) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.