Hỗ trợ đồng bào xóa đói, giảm nghèo bền vững

07:37, 08/10/2014

Huyện miền núi Đồng Hỷ hiện có trên 11 vạn người, gồm 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 43%. Những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt, từ đó đã tạo cơ sở để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đến bản Mỏ Nước, xã Văn Lăng vào thời điểm đầu tháng 10 này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây khi thời điểm di chuyển đến nơi tái định cư đang đến rất gần. Cả bản hiện có 28 hộ với 134 nhân khẩu, 97% là người dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 100%. Các gia đình đều sống rải rác ở lưng chừng núi cao, cạnh suối, khe có độ dốc lớn, khi trời mưa to dễ tạo thành lũ quét, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Trước tình hình đó, huyện Đồng Hỷ đã đề nghị và được tỉnh, Trung ương phê duyệt Dự án di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi xã Văn Lăng nhằm xây dựng Khu tái định cư tại xóm Tam Va để 60 hộ dân thuộc diện trên, trong đó có các hộ ở bản Mỏ Nước về đây yên tâm sinh sống. Dự án có tổng kinh phí trên 54 tỉ đồng, hiện đang được hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng tháng 12 tới. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lý Thị Sóng, ở bản Mỏ Nước bày tỏ: Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để người dân chúng tôi đến nơi ở mới an toàn, có điện, nước đầy đủ, con em được đến lớp thuận tiện nên bà con đều vui mừng và hy vọng sẽ làm ăn tốt hơn, từ đó có thể giảm nghèo...

 

Dự án di dân vùng thiên tai nói trên là một trong hơn 120 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình nước sạch… được huyện Đồng Hỷ triển khai thực hiện trong 5 năm qua nhằm hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo. Xác định tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi là bước đầu tiên để hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách từ đó huy động được tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho bà con... Trong quá trình tổ chức thực hiện, các dự án đều xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của bà con, phù hợp với phong tục tập quán, và thực hiện công khai, dân chủ nên được nhân dân hưởng ứng, ủng hộ. Ngoài ra, huyện cũng nỗ lực huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 1,5 nghìn ngôi nhà cho người dân thuộc vùng khó khăn với tổng kinh phí trên 84 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ: Phát triển sản xuất; đào tạo cán bộ cơ sở; hỗ trợ học tập; cấp thẻ bảo hiểm y tế; hoạt động văn hoá; trợ giúp pháp lý; cải thiện vệ sinh môi trường cho bà con với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, tính đến nay, toàn huyện đã có trên 2,2 nghìn lượt đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ là gần 10 tỷ đồng. Trong 5 năm qua đã có gần 1 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều điển hình phát triển kinh tế là người dân tộc thiểu số, mỗi năm cho thu nhập từ 1 đến 3 trăm triệu đồng như: Ông Lương Anh Minh, dân tộc Sán Chay ở xóm La Nưa (Khe Mo); ông Triệu Phúc Phượng, dân tộc Dao, xóm Khe Cạn (Cây Thị); bà Mạc Thị Tư, dân tộc Sán Dìu, xã Linh Sơn...

 

Nói về những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong giai đoạn 2014-2019, chúng tôi xây dựng mục tiêu: Cơ cấu và tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, HĐND các cấp bằng hoặc cao hơn giai đoạn 2009-2014; các xã, xóm đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4% và không còn nhà dột nát; người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 50%; 100% các trường học được kiên cố; 99% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số...

 

Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở là người dân tộc thiểu số giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng. Tổ chức các lễ hội văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài những giải pháp trên, huyện coi việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…