Kỳ II: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

16:38, 21/10/2014

Để hỗ trợ các hộ đồng bào Mông ngày càng ổn định cuộc sống, tỉnh ta đang triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án là triển khai đầy đủ các chính sách của Nhà nước, dành nguồn lực hỗ trợ bà con tạo ra mô hình sản xuất mới; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát huy vai trò của cộng đồng người Mông trong việc cải thiện đời sống, đấu tranh bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…  

Từ sự hỗ trợ dài hơi của Nhà nước

 

Ông Triệu Minh Thái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Với mục tiêu cụ thể là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt), phát huy thế mạnh của từng vùng, tăng thu nhập cho người dân, từ nay đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu mỗi năm giảm được 7% số hộ nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc Mông. Riêng năm 2014 sẽ cơ bản hoàn thành việc đầu tư một số tuyến giao thông theo tiêu chí đường nông thôn mới đến các xóm, bản (với số lượng 16 công trình).

 

Trong giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 - 2020, Đề án sẽ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tập trung, nhà lớp học, nhà văn hóa) cho các xóm khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo ông Lương Anh Đài, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Đường (Võ Nhai), Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cần có cơ chế cho vay đến hộ dân để bà con có điều kiện đầu tư xây dựng thêm các công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

 

Đề án cũng đã xây dựng được các hình thức hỗ trợ dài hơi như trồng cây ăn quả; phát triển trồng rừng; chăn nuôi trâu, bò theo điều kiện của từng địa phương. Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư hỗ trợ 18 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên và một số xóm có tính chất đặc thù. Trong năm 2014 và 2015, sẽ tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, trên nguyên tắc tập trung các nguồn vốn của Trung ương, của địa phương và các nguồn lực khác thông qua các chương trình, dự án để giải quyết nhu cầu cấp bách, cần thiết, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đi đôi với nâng cao nhận thức, năng lực và chất lượng cuộc sống của đồng bào, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự xã hội, đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Để nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đời sống phát huy hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc Mông thoát nghèo một cách bền vững, trước tiên các cấp, ngành liên quan sẽ xây dựng những mô hình điểm; lựa chọn những cá nhân tích cực để dồn vốn hỗ trợ. Về lâu dài, các mô hình điểm sẽ giúp cho đồng bào Mông tiếp cận với cách làm ăn mới, thay đổi tư duy; từng bước hình thành ý thức nuôi, trồng theo phương thức hàng hóa. Bà Lý Thị Cúc, Trưởng xóm Khuôn Ngục, xã La Hiên (Võ Nhai) cho rằng các cấp, ngành liên quan cần vận động đồng bào tham gia triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ có hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn được đầu tư đúng mục đích.

 

Đến sự chủ động tích cực của người dân

 

Cùng với sự hỗ trợ dài hơi của Nhà nước, đồng bào dân tộc Mông cũng cần chủ động vươn lên. Thực tế những năm qua, nhiều hộ dân tộc Mông trong tỉnh vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động phát triển kinh tế gia đình. Ông Lý Văn Sinh, Trưởng bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) cho biết: Năm 1990, khi từ Hà Quảng (Cao Bằng) về đây lập bản, để có lương thực, bà con phát rừng làm nương rẫy. Qua vài vụ trồng ngô, bãi đất này bạc màu họ lại chuyển sang phát bãi khác. Vào những ngày giáp hạt, bà con lại chờ Nhà nước hỗ trợ lương thực làm cái ăn qua ngày… Cứ thế, mấy chục năm qua, người Mông mãi vẫn chưa hết khổ vì bà con chưa biết phát huy hiệu quả những chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, muốn có cuộc sống ổn định, người Mông phải cố gắng trên đôi chân của chính mình. Đi tìm hiểu cách làm ăn của các làng, bản người Tày, người Nùng trong xã, mình thấy người dân ở đó có nhiều cách làm ăn hiệu quả lắm. Họ cấy lúa nước, trồng ngô bằng giống mới, họ nuôi lợn lai, trâu, bò lấy thịt… cho hiệu quả kinh tế cao. Không khó để người Mông phát triển kinh tế theo cách làm của người Tày, người Nùng, nhất là khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; cây, con giống; vật tư phân bón; công cụ sản xuất… Chỉ có điều bà con cần có ý thức tự vươn lên. Với trách nhiệm là Trưởng bản, mình sẽ tích cực đi tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được vai trò chủ thể của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc…

 

Anh Hoàng Văn Cường, xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Thu nhập của 4 nhân khẩu trong gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng, 500m2 chè trung du nên dù sinh 2 con gái, vợ chồng mình cũng không đẻ thêm nữa. Sinh nhiều con, đất sản xuất không có, lấy gì nuôi chúng nó ăn học. Vì thiếu cái chữ nên vợ chồng mình mới khổ. Sau này các con lớn lên, mình sẽ lo cho chúng nó được học hành đến nơi đến chốn, được thoát ly thì mới mong hết nghèo...

Hơn 10 năm làm Trưởng bản, ông Lý Văn Sinh luôn có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình để làm gương cho bà con trong bản noi theo. Hiện nay, ngoài việc sở hữu khoảng 2ha đất trồng lúa, trồng ngô, gia đình ông còn nuôi 2 con bò, 2 con trâu có giá trị trên 100 triệu đồng. Những tấm gương điển hình như ông Sinh cần được nhân rộng để góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Mông trong tỉnh.

 

Không chỉ chủ động phát triển kinh tế gia đình, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, người Mông còn phải đóng góp công sức cùng Nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ông Lầu văn Bằng, bản Dân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) nói: Đường vào bản khó đi lắm. Nếu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người Mông chúng mình sẽ đóng góp ngày công lao động, san gạt mặt bằng để các tuyến đường giao thông nhanh chóng được xây dựng.

 

Ông Hoàng Văn Tài, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai): Nuôi bò thịt đang là sự lựa chọn của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông. Dù hiệu quả kinh tế cao nhưng giá bò giống rất đắt. Bởi vậy, người Mông rất mong được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển chăn nuôi bò. Về thời hạn cho vay vốn nên kéo dài 5 năm để đàn bò kịp sinh sôi, từ đó bà con có thể thu hồi, hoàn trả được nguồn vốn vay đúng kỳ hạn và còn có lãi…

Những chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước và sự chủ động, tích cực vươn lên của người dân là hướng mở để đồng bào dân tộc Mông tiếp cận được với những cách làm ăn mới, từng bước hình thành phương thức trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời từng bước nâng cao dân trí, thu nhập cũng như cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào trong thời kỳ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố thêm niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; ngăn chặn tệ nạn xã hội ở địa phương; bảo vệ nguồn tài nguyên, nâng độ phì nhiêu của đất và hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy.

 

 

Với tổng kinh phí trên 116 tỷ đồng, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020” sẽ hỗ trợ 26 xóm, bản của 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên thuộc các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; cung cấp vật tư, giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi…