Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên

07:02, 03/10/2014

Tỉnh ta hiện có trên 49.700 hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 8.840 hội viên tôn giáo, chiếm 25% trong tổng số hội viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp về tạo sự chuyển biến mới trong phát triển kinh tế của hội viên dân tộc thiểu số và tôn giáo, hỗ trợ tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, trong những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững…

Nhằm giúp chị em đồng bào dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Đây là những phong trào lớn của Hội nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo; góp phần xây dựng nông thôn mới”. Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình hội viên, Hội đã có những việc làm thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên là người dân tộc thiểu số, người công giáo được tham gia; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội thực hiện phương châm lồng ghép nhiều nguồn lực và giải pháp quan trọng để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo phát triển kinh tế.

 

“Tập huấn trước, vay vốn sau” là một kinh nghiệm hay được các cấp Hội trong toàn tỉnh triển khai thực hiện để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 3.317 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho 187.632 lượt hội viên tham gia; Hội LHPN tỉnh huy động nguồn vốn thông qua chương trình ủy thác, tín chấp với các ngân hàng và qua các nhóm tín dụng tiết kiệm, chương trình tài chính vi mô của Hội… Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý trên 800 tỷ đồng cho trên 70.000 hội viên phụ nữ vay trong đó có gần 10 nghìn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số và hội viên tôn giáo.

 

Bên cạnh đó, để giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ hội viên phụ nữ học nghề, tham gia phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại, kinh tế hộ. Ngoài ra, vận động chị em tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể như: thành lập các câu lạc bộ, nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đến nay, đã có hàng trăm nhóm sở thích, tổ hợp tác và hàng nghìn câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được thành lập. Có 31.979 lao động nữ được tư vấn nghề, tư vấn việc làm; 13.482 lao động nữ được đào tạo nghề; giới thiệu việc làm cho 5.500 lao động… Thông qua các chương trình phối hợp, các phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, các cuộc vận động thực hành tiết kiệm, quyên góp ủng hộ xây dựng nhà mái ấm tình thương…, đã có 31.644 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ phát triển kinh tế, trong đó có 4.513 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo chiếm khoảng 10%.

 

Từ các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực đã xuất hiện nhiểu điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tiêu biểu làm kinh tế giỏi được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, đơn cử như chị Đàm Thị Quy - dân tộc Nùng, xã Tân Thành (Phú Bình) xuất thân là hộ nghèo chị đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình chị đến nay đã có trang trại chăn nuôi với trên 2.000 con gà và 2 lò ấp trứng để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài địa phương, thu nhập hàng tháng trên 30 triệu đồng.

 

Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, đời sống của phần lớn các hộ hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đã được nâng lên. Tuy nhiên, do trình độ dân trí của chị em hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo không đồng đều, mặt khác, các mô hình hỗ trợ còn mang tính chất nhỏ, lẻ... do vậy tính bền vững trong phát triển kinh tế chưa cao.

 

Để hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo phát triển kinh tế trong thời gian tới đạt hiệu qủa cao hơn, các cấp Hội cần làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế tại những địa bàn có đông hội viên dân tộc, tôn giáo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để huy động nguồn lực, đặc biệt tập trung phát triển các mô hình tổ/nhóm sở thích, tổ hợp tác, Hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút lao động nữ; tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ... Từ đó góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa  phương...