Những chuyển biến mới trong phong trào xây dựng xã hội học tập

09:39, 02/10/2014

Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10), phóng viên đã phỏng vấn ông Lê Duy Vỵ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên về những chuyển biến mới trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thời gian qua.

P.V: Thưa ông, năm 2014, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục được củng cố vững chắc, xin ông cho biết những nét mới về tổ chức Hội?


Ông Lê Duy Vỵ: Toàn tỉnh hiện vẫn giữ vững tổ chức Hội ở 100% xã, phường, thị trấn với  4.165 chi hội, ban khuyến học của làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Số hội viên hiện có là 285.097, bằng 23,75 % số dân (bình quân cả nước là 14%). Các cơ sở Hội hoạt động ngày càng có hiệu quả. Điều nổi bật là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và tiến hành thành lập Ban chỉ đạo khuyến học; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc đã thành lập Ban khuyến học để đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong đơn vị, doanh nghiệp và tích cực tham gia công tác khuyến học ở địa phương. Sự việc trên không chỉ có ý nghĩa tạo thêm số lượng tổ chức Hội mà điều quan trọng là đã thực sự “tạo lực” cho phong trào khuyến học của tỉnh.

 

P.V: Để đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng được với sự phát triển của tổ chức Hội ở cơ sở, xin ông cho biết Hội Khuyến học tỉnh đã có những giải pháp gì?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Trước hết, chúng tôi đã tăng cường cơ cấu chủ tịch chuyên trách ở Hội khuyến học các xã, phường, thị trấn, số chủ tịch chuyên trách hiện đã đạt tỷ lệ trên 70%, do đó công việc chỉ đạo hoạt động ở các Hội cơ sở đã có hiệu quả rõ rệt.

 

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội cơ sở được quan tâm thực hiện. Tỉnh hội phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tiếp tục mở lớp bồi dưỡng (khoá 6) cho 60 cán cán bộ Hội xã, phường, thị trấn trong thời gian 10 ngày đạt chất lượng cao.

 

Trong các tháng 5, 6 vừa qua, Hội Khuyến học các huyện, thành, thị đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị địa phương và nhiều xã, phường tổ chức bồi dưỡng cho 1.600 cán bộ các chi hội làng bản, tổ dân phố, làm cho năng lực của cán bộ Hội cơ sở được tăng cường rõ rệt.

 

P.V: Công tác động viên, khen thưởng học sinh giỏi tiếp tục được đẩy mạnh như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Hoạt động tuyên dương, khen thưởng học sinh được tiến hành rộng khắp kịp thời động viên, khích lệ tinh thần vươn lên học tập của các em.

 

Tỉnh hội đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng 105 học sinh đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh đoạt giải cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay và khen thưởng 81 thầy, cô giáo có học sinh giỏi đoạt giải Quốc gia năm học 2013-2014, với nguồn tài trợ hàng năm của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên là 101 triệu đồng.

 

Các huyện, thành, thị hội đã phối hợp với các phòng giáo dục tổ chức Lễ biểu dương trao thưởng cho học sinh học giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với số tiền thưởng tới gần 2 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so với 2013.

 

Nét mới trong năm 2014 là đối tượng học sinh nghèo học giỏi luôn được quan tâm động viên với nhiều xuất học bổng do Hội Khuyến học tổ chức trao tặng như học bổng Phú Mỹ Hưng, Bông Mai Vàng, học bổng của Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam - Hội Khuyến học Việt Nam - Nhà xuất bản Dân trí - Công ty CP Truyền thông và Phát triển báo chí. Các doanh nghiệp như Ngân hàng Sacombank chi nhánh Thái Nguyên, Bảo Việt chi nhánh Thái Nguyên, Câu lạc bộ Doanh nhân Tâm Thiện Thái Nguyên cũng đã phối hợp với các nhà trường tổ chức trao tặng học bổng học sinh nghèo vượt khó nhân ngày khai giảng năm học mới 2014-2015…

 

Điều rất đáng hoan nghênh là hầu hết các chi hội bản làng, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dòng họ… đều đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho con em mình đạt thành tích trong học tập, tất cả đã làm dấy lên phong trào toàn xã hội quan tâm động viên con em học tập tốt.

 

P.V: Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” lần thứ II năm 2014 được tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Tiếp theo sự thành công của Chương trình “Thắp sáng niềm tin - tiếp sức em tới trường” lần thứ nhất năm 2013, trong tháng 8, 9 năm nay, từ các xã, phường, trường học đến các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh đều đồng loạt tổ chức Chương trình này lần thứ II, làm dấy lên phong trào toàn xã hội quan tâm tới cuộc vận động giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.

 

Chương trình tổ chức tại tỉnh đã hỗ trợ cho 200 em học sinh nghèo nhất ở các huyện, thành, thị với số học bổng và tặng phẩm trị giá 200 triệu đồng. Đối với Chương trình “Thắp sáng niềm tin tiếp sức em tới trường” lần thứ II năm 2014 tổ chức trên toàn tỉnh đã hỗ trợ được trên 6.000 em học sinh nghèo (năm 2013 là 5005 em) với số tiền gần 3 tỷ đồng (năm 2013 là 1,6 tỷ đồng). Điều đáng phấn khởi là Chương trình đã có sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tập thể, cá nhân.

 

P.V: Trong thời gian tới, trọng tâm hoạt động của các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh là gì, thưa ông?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Trong 2 năm 2014-2015, chúng tôi tiến hành xây dựng thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “ Đơn vị học tập”  tại 9 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành, thị, với 18 làng, bản, tổ dân phố và trên 90 gia đình, 5 dòng họ và 1 cơ quan tham gia. Từ đó tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình để từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có: 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học Thái Nguyên được tập huấn nâng cao; 70% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% các dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (làng, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các  tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%; 50% trở lên các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”...

 

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, các địa phương làm thí điểm sẽ tiến hành tốt 3 giải pháp là “Tập huấn tốt”, “Tuyên truyền tốt”, “Thực nghiệm thí điểm tốt”.

 

P.V: Xin cám ơn ôngI