Nòng cốt trong công tác phòng, chống cháy nổ

08:52, 04/10/2014

Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Từ đó, ngày 4-10 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH). Trải qua 53 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã không ngừng lớn mạnh, lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng lực lượng Công an toàn tỉnh đã kiên cường chiến đấu dũng cảm. Lực lượng chữa cháy nhiều lần thực hiện nhiệm vụ dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, như chữa cháy trận địa pháo Quang Vinh, kho xăng dầu Hóa Trung, ga Lưu Xá, khu dân cư cầu Gia Bẩy... Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH với áo bạt, mũ đồng xông pha trong khói lửa để chữa cháy, cứu người, cứu tài sản còn mãi in sâu trong tâm trí người dân.

 

Trải qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế nước ta phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo quy luật khách quan, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản ngày càng tăng cả về số vụ và thiệt hại. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 664 vụ cháy, 29 vụ nổ, làm 33 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 518,178 tỷ đồng và 209,98ha rừng. Nguyên nhân cháy, nổ chủ yếu là do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện vi phạm quy định an toàn PCCC và không tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh chất cháy, chất nổ...

 

Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng vượt bậc, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp... triển khai, thực hiện nghiêm Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó trong những năm qua công tác PCCC&CNCH đã được tăng cường, hiệu lực quản lý của Nhà nước về công tác PCCC&CNCH ở địa phương, các cấp các ngành đã được nâng cao. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH đã được quan tâm, nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân về công tác PCCC được nâng cao, công tác xã hội hóa PCCC&CNCH cũng được đẩy mạnh.

 

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2.148 đội dân phòng với 13.146 đội viên, 1.570 đội PCCC cơ sở với 14.443 đội viên, thành lập 12 tổ kiểm lâm cơ động - PCCC rừng gồm 269 thành viên và 1.290 tổ PCCC rừng ở các thôn, xóm, bản, tổ dân phố với 7.500 đội viên. Đã xây dựng và duy trì hoạt động 3 cụm doanh nghiệp an toàn PCCC tại Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Sông Công, cụm an toàn PCCC&CNCH khu vực huyện Phổ Yên với 39 đơn vị tham gia. Đã tổ chức 176 lượt kiểm tra chuyên đề, chuyên ngành như: chợ, trung tâm thương mại; khu công nghiệp; nhà cao tầng; xăng dầu, gas, vật liệu nổ công nghiệp; PCCC điện; PCCC mùa hanh khô, PCCC rừng… tại 13.608 lượt cơ quan, đơn vị, cơ sở, lập 13.608 biên bản kiểm tra an toàn PCCC; quá trình kiểm tra đã kiến nghị khắc phục hàng nghìn sơ hở, thiếu sót, mất an toàn về PCCC, đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 667 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 3 trường hợp, cảnh cáo 83 trường hợp, phạt tiền hơn 780 triệu đồng nộp ngân sách. Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp đạt 720 giờ/người/năm; lập mới 375 phương án chữa cháy, bổ sung 633 phương án chữa cháy các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao; tổ chức thực tập 162 phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm, trong đó có 8 phương án xử lý cháy, nổ lớn phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện của các cấp, các ngành tham gia. Đã xuất 779 lượt xe chữa cháy với 5.096 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy, góp phần hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra.

 

Cùng với công tác PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu và tổ chức làm tốt công tác cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn trong các vụ tai nạn, sự cố trên địa bàn tỉnh, điển hình như: vụ sạt lở đất hồi 4 giờ 15 phút ngày 15-4-2012 tại bãi thải số 3, thuộc Chi nhánh Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên - Mỏ than Phấn Mễ; vụ tai nạn lao động sập dàn giáo hồi 10 giờ 30 phút ngày 16-1-2013 tại công trình chợ Đồng Quang 2; vụ tai nạn lao động sập giàn giáo hồi 10 giờ ngày 17-1-2013 tại Nhà thờ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ); vụ đuối nước xảy ra hồi 15 giờ ngày 1-6-2013 tại thác Mưa Rơi, xã Thần Sa (Võ Nhai); vụ ngập lụt ngày 18-9-2014 tại các xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng (Phú Lương), xã An Khánh (Đại Từ), xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên)…

 

Để phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cần đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nuớc quên thân, vì dân phục vụ”, Chỉ thị số 03/CT-BCA (X11) ngày 18-4-2014 của Bộ Công an về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ, nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong sạch vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại…

 

Với những thành tích đạt được, 53 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương các hạng và được Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Bằng khen.