Phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc

08:46, 09/10/2014

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, những năm qua, huyện Phổ Yên luôn quan tâm nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Trước thềm Đại hội các DTTS huyện lần thứ II - năm 2014, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện xung quanh vấn đề này.

P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện 5 năm qua?


Đ/c Lê Thanh Tuyết: Phổ Yên là huyện giàu truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó, anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, khắc phục thiên tai và góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, toàn huyện có 38.406 hộ, 158.619 nhân khẩu, trong đó đồng bào các DTTS có 3.790 hộ, 14.950 nhân khẩu (chiếm gần 10% tổng dân số), với 17 dân tộc anh em cùng chung sống.

 

Những năm qua, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để lãnh đạo, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, với trọng tâm là xây dựng Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu lao động. Tính riêng 9 tháng năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của huyện ước đạt 62% (từ năm 2010 đến 2013 tăng trên 20%/năm); về tỷ trọng cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 74%, thương mại - dịch vụ là 17%, nông - lâm nghiệp, thủy sản 9%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt trên 80.240 tỷ đồng, bằng 457% kế hoạch năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 60.400 tấn, bằng 105,3% kế hoạch; GDP bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm (tăng 45,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010); thu ngân sách được 352,9 tỷ đồng, bằng 272,19% kế hoạch (tăng hơn 267 tỷ đồng so với năm 2009); thu hút 12 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 1.760 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng trên 133ha; giải quyết việc làm cho gần 8.300 lao động; 96% số trường học và 100% các trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia…

 

Đối với các chương trình, chính sách dân tộc, huyện đã triển khai kịp thời, đồng bộ, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS. 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây dựng 17 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 3 nhà văn hóa, 1 công trình điện sinh hoạt, 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán cho 415 hộ dân, mua máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho 75 hộ dân, cho 809 hộ DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí, quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các DTTS; hỗ trợ muối I-ốt phòng chống bướu cổ…

 

Ngoài ra, Đảng bộ huyện cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào các DTTS. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 371 đảng viên là người DTTS (chiếm 5,14%). Số lượng cấp ủy viên (nhiệm kỳ 2010-2015) người DTTS là 33/295 đồng chí, chiếm 11%, trong đó cấp huyện có 3 đồng chí, cấp xã, thị trấn có 30 đồng chí. Số lượng đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) người DTTS là 34/525 đại biểu, chiếm 6,5%


P.V: Từ thực tiễn 5 năm qua, đồng chí có thể chia sẻ kinh nghiệm trong cöng tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH và tổ chức thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện?


Đ/c Lê Thanh Tuyết: Trước hết, huyện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh sự phối hợp giữa UBND huyện với Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, triển khai thực hiện các  chính sách, chương trình, dự án bảo đảm đúng quy định; cán bộ làm công tác dân tộc phải am hiểu chính sách, tận tâm, tận lực với đồng bào, nắm vững quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Đồng thời đi sâu nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm tình hình đời sống, tâm tư tình cảm, nhu cầu thiết yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết vấn đề phải trên cơ sở khoa học thực tiễn. Kiên trì thực hiện mục tiêu, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị; chú trọng công tác dân vận của Đảng, kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật để đồng bào hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các dân tộc để từ đó bà con cùng đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển…

 

P.V: Thưa đồng chí, trong giai đoạn 2014-2019, huyện đặt mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc như thế nào?

 

Đ/c Lê Thanh Tuyết: Trong nhiệm kỳ tới, huyện tiếp tục đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội về công tác dân tộc; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào các DTTS; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng dân tộc với vùng khác trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, giải quyết hài hòa lợi ích của người DTTS, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

Đồng thời xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc theo đúng các quy định của Nhà nước; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS từ huyện đến cơ sở; từng bước phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển KT-XH, chú trọng phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS, đặt mục tiêu 100% lao động là người DTTS trong độ tuổi lao động được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo khi có nhu cầu, trong đó đào tạo nghề chiếm khoảng 30-35%; tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS, đảm bảo 100% đường trục liên xaä được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 90% đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 100% số hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xóm có mạng Internet; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dên tộc; duy trì 100% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho đồng bào các DTTS. Trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện phấn đấu bình quân mỗi năm giảm từ 4-5% số hộ nghèo là người DTTS; xóa nhà ở dột nát đạt 100%

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!