Phát huy truyền thống Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang

08:45, 03/10/2014

Họ là những phụ nữ bình dị, nhiều người có hoàn cảnh éo le, song các chị đã không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên trong cuộc sống, góp phần tô thắm truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nhân Hội nghị biểu dương phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo làm kinh tế giỏi, Báo Thái Nguyên xin giới thiệu một số gương phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Mạnh dạn mới thành công

 

Chị Nguyễn Thị Hồng, dân tộc Tày, thôn 6, xã Phú Tiến (Định Hoá): Trước đây tôi làm nghề thu gom phế liệu, năm 2013, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng sơ chế lâm sản, sản xuất ván bóc từ cây keo để xuất bán ra thị trường. Với diện tích đất của gia đình ban đầu chỉ có 200m2, tôi đã đi thuê thêm đất của các hộ dân xung quanh để mở xưởng và làm nơi phơi ván sau khi bóc. Nhờ có sự tạo điều kiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi được vay vốn thương nhân vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 30 triệu đồng và vay vốn kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với số tiền 300 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, họ hàng, tôi đã đầu tư xây dựng 2 nhà xưởng chế biến lâm sản, mua sắm hệ thống máy móc, nguyên liệu, thuê lao động... với tổng mức đầu tư trên 2,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 công nhân đứng máy, phụ trách kỹ thuật máy, với mức lương khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 30-35 công nhân là hội viên phụ nữ (trong đó 50% là hộ nghèo) làm công việc phơi ván sau khi bóc, vệ sinh môi trường khu sơ chế tập trung và thực hiện một số công đoạn khác...

 

Mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng


Chị Đỗ Thị Thúy, xóm 4, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Năm 2002, gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi mô hình trang trại với 20 con lợn nái ngoại. Nhờ tích cực học tập kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi bước đầu đã cho hiệu quả. Nhận thấy chăn nuôi lợn nái ngoại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn mỗi năm nuôi tăng thêm 10 con. Đến nay, tổng đàn lợn của gia đình đã có trên 100 con nái ngoại, duy trì thường xuyên 700-800 con lợn thịt/năm. Cùng với đó, gia đình còn nuôi thêm 5.000 con gà đẻ trứng; đồng thời làm đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc và thuốc thú y, dịch vụ làm thiết bị chuồng trại chăn nuôi. Hiện, từ mô hình kinh tế này, mỗi năm cho gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng. Không những thế, tôi còn tạo điều kiện cho 4 hộ nghèo ở địa phương vào trang trại làm việc ổn định lâu dài. Ngoài ra, tôi còn giúp đỡ các trang trại trong huyện về con giống, thức ăn chăn nuôi và tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân quanh vùng cách phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Để có được thành công như hôm nay, tôi nghĩ: Tất cả là nhờ lòng nhiệt tình, yêu nghề và kiên trì. Trong chăn nuôi cần quan tâm áp dụng các thành tựu KHKT tiên tiến, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng theo định kỳ cho đàn vật nuôi bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”…

 

Khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất

 

Chị Ngô Thị Vân, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên): Khoa học kỹ thuật đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực, không lý gì chúng ta lại không ứng dụng nó để phục vụ cho phát triển sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Trước đây, gia đình tôi có vài sào chè trung du, thâm canh theo cách truyền thống, mỗi năm hái được khoảng trên 1 tấn búp khô, thu nhập cũng chỉ đủ sống. Nhưng trong vài năm trở lại đây, tôi đã phá bỏ toàn bộ diện tích chè trung du để thay thế bằng chè cành và áp dụng cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất và giá trị đã nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, tôi còn sản xuất các loại chè có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu như: chè tôm nõn, chè đinh với giá 2,5-3 triệu đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn mở rộng kinh doanh dịch vụ, thu gom sản phẩm chè tươi về chế biến với sản lượng mỗi năm khoảng 10 tấn chè thành phẩm. Nhờ đó, gia đình đã xây nhà, mua thêm đất để phục vụ cho việc phát triển trồng chè, mua ôtô, nâng cấp nhà xưởng với diện tích lên đến 300m2, đầu tư máy máy sao chè, máy hút chân không, máy vò chè… Đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động, trong đó có 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân

 

Chị Ngô Thị Mai, dân tộc Tày, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Phú Cường thị trấn Đình Cả (Võ Nhai): Trước năm 2011, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải luôn là chủ đề “nóng” trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của thị trấn và huyện Võ Nhai. Là một người dân, lại là đảng viên sống trên địa bàn, tôi tự cảm thấy mình có một phần trách nhiệm, lại được sự động viên, khích lệ và định hướng của lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo huyện nên tôi đã tham gia và được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vệ sinh môi trường Phú Cường từ năm 2011. Trên cương vị là Chủ nhiệm HTX, tôi đã tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền vận động họ tham gia ký hợp đồng, đổ rác đúng quy định và nộp phí môi trường đầy đủ. Bên cạnh đó, tôi cũng quán triệt và động viên các xã viên thực hiện việc thu gom rác với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đến nay, HTX đã vận động được trên 700 hộ dân và 62 cơ quan ký hợp đồng thu gom rác thải (trong khi năm 2011, chỉ có 350 hộ dân và 17 cơ quan tham gia), hiện tượng xả rác bừa bãi hầu như không còn. Môi trường trên địa bàn thị trấn đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhận thức của người dân về môi trường được nâng lên. Hoạt động của HTX được chính quyền ghi nhận và đánh giá cao, người dân đồng tình ủng hộ.


Cần cù lao động để thoát nghèo

 

Chị Dương Thị Giang, dân tộc Sán Dìu, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên): Gia đình tôi vốn đông nhân khẩu, bố mẹ đã già yếu, con thì còn nhỏ, chỉ có 2 vợ chồng tôi là lao động chính. Gia đình là hộ nghèo từ năm 2003, tổng thu nhập của cả nhà chỉ đạt 1,8 triệu đồng/tháng, do vậy, luôn phải sống trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Với suy nghĩ không thể để các con sống trong cảnh nghèo khó mãi được, từ năm 2011, tôi cùng chồng tập trung làm kinh tế. Từ 4 sào chè trung du bố mẹ cho, chúng tôi phá bỏ hết và thay vào đó là chè cành. Nhờ đó, giá thành sản phẩm chè của gia đình đã nâng lên từ 50.000 đồng/kg đến 170.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, tôi còn chăn thêm 2 con trâu nái, bình quân mỗi năm sinh sản 1 con nghé cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, lúc nông nhàn, vợ chồng tôi lại đi làm phụ xây kiếm thêm thu nhập, do vậy đời sống đã bớt khó khăn hơn nhiều. Hiện gia đình tôi không những đã thoát nghèo mà còn có chút tích luỹ.