Từ nhiều năm nay, Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên toàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Cùng thời gian, phong trào đã phát triển sâu rộng và có tác động tốt đến đời sống văn hoá của nhân dân, trong đó có vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để phong trào đi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch luôn coi trọng công tác tuyên truyền về nội dung xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Theo hướng dẫn của Sở: Ngoài việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các ngày lễ và sự kiện chính trị lớn trong năm, nội dung tuyên truyền về triển khai, thực hiện Phong trào còn được gắn với các chủ đề, chủ điểm như: tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hóa; tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước lên quan đến nội dung của Phong trào.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú, như: cổ động trực quan, truyền thanh truyền hình, sân khấu hóa, văn nghệ quần chúng... Hàng năm, Sở biên soạn và phát hành gần 6.000 cuốn sách, áp phích tuyên truyền cho công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong đó tổ chức cấp phát trên 3.000 tài liệu, tạp chí, sách, áp phích tuyên truyền miễn phí cho các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng ATK và vùng đặc biệt khó khăn nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Sở thường xuyên chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện xây dựng các chủ đề tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, của tỉnh và tổ chức tuyên truyền tới người dân. Hoạt động tuyên truyền còn được thực hiện qua các buổi họp thôn, xóm và các tổ chức đoàn thể, nhằm thông qua đó quán triệt các nội dung của phong trào đến đông đảo người dân. Kết quả, số gia đình và số xóm, tổ dân phố đạt văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó năm 2012, toàn tỉnh có 230.398 hộ được công nhận đạt gia đình văn hóa; năm 2013, toàn tỉnh có 246.411 hộ đạt gia đình văn hóa, tăng 16.031 hộ. Năm 2012, toàn tỉnh có 1.255 làng, tổ dân phố đạt Làng, tổ dân phố văn hóa, năm 2013 số làng, tổ dân phố văn hóa tăng lên 1.453 làng, tổ dân phố, tăng 198 làng, tổ dân phố. Kết quả đó có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Phong trào góp phần đưa đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của nhân dân trong tỉnh từng bước ổn định và nâng cao, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số. Thông qua phong trào, đạo đức, lối sống, nếp sống lành mạnh trong cộng đồng xã hội được phát huy, thuần phong mỹ tục được giữ gìn, kỷ cương, pháp luật được thực hiện tốt hơn, cảnh quan môi trường được bảo vệ, các hủ tục lạc hậu và những tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, nhất là ở những vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.
Đặc biệt, Chương trình an sinh xã hội năm 2013, toàn tỉnh đã thu được 64,7 tỷ đồng; mua 302.484 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, với số tiền hơn 178 tỷ đồng; hỗ trợ 274 hộ nghèo về nhà ở với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân T.P Hà Nội tặng cho Thái Nguyên hơn 2,4 tỷ đồng xây 62 nhà; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 41.025 hộ nghèo với số tiền hơn 14,7 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 29,7 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh; hỗ trợ 11.343 hộ nghèo vay vồn tín dụng ưu đãi với số tiền gần 245 tỷ đồng, nâng tổng số hộ nghèo của tỉnh được vay vốn sản xuất lên 41.123 hộ, với số tiền gần 855 tỷ đồng.
Nhờ được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện ổn định cuộc sống, đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trực tiếp góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 13,6% năm 2012 xuống còn 11,66% năm 2013.