Trong xã hội hiện đại, quyền mỗi người được sống bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc; trẻ em được quan tâm, chăm sóc tốt hơn là điều đương nhiên. Song trên thực tế thì vẫn xảy ra những bi kịch gia đình thương tâm; nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình (BLGĐ), song gốc rễ của bạo lực chính là sự bất bình đẳng giới, tính gia trưởng vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều người đàn ông. Khoảng cách giữa thực thi Luật với thực tế cuộc sống vẫn còn xa cách.
BLGĐ là sự vi phạm quyền tự do và nhân phẩm con người, vi phạm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi BLGĐ đang là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Trong nhiều diễn đàn quốc tế, vấn đề BLGĐ được các chính phủ nhìn nhận như một sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với nhân phẩm con người, là sự vi phạm Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Thống kê tình trạng BLGĐ vài năm qua cho thấy 71,44% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, pháp luật thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng nam nữ. Những nội dung cơ bản của Công ước CEDAW cũng đã được cụ thể hóa vào hệ thống pháp luật Quốc gia, như: Hiến pháp, Bộ Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới... Nhiều nội dung còn được cụ thể hóa vào quy ước, hương ước của xóm, bản, tổ dân phố, góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi người, trong đó có quyền bình đẳng giới. Trước thực trạng pháp luật, các quy phạm đạo đức và dư luận xã hội chưa đủ sức điều chỉnh, ngăn chặn hành vi BLGĐ thì Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa luật vào cuộc sống, góp phần ngăn chặn tình trạng BLGĐ đang diễn ra trong các gia đình hiện nay.
Mỗi hành vi BLGĐ đều trực tiếp hay gián tiếp tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội. Bởi nó trực tiếp gây tổn thương đến sức khoẻ và tinh thần, gây hoảng loạn, rối loạn về tâm lý, tình cảm của con người, nhất là sự phát triển nhân cách của những đứa trẻ, làm gia đình tan vỡ. BLGĐ là hết sức nguy hại, có thể làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó dẫn tới chán nản học hành, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có những hành vi phạm pháp. Còn đối với những người vợ, người mẹ thì BLGĐ cũng gây hậu quả nặng nề không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần; đời sống gia đình không hạnh phúc, luôn phải suy nghĩ lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến ly thân và ly hôn.
Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ có thể do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải; hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật và các quy chuẩn xã hội của cả vợ, chồng và các con... cộng thêm nhiều yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng góp phần duy trì tệ nạn này. Việc thực thi pháp luật trong phòng, chống BLGĐ chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần do những nạn nhân của BLGĐ cam chịu, không muốn tố cáo, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”; mặt khác, hiện nay các vụ BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đa số hành vi BLGĐ chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng (chết người hoặc bị thương).
Hành vi BLGĐ là một vấn đề xã hội cấp bách, nó tác động và ảnh hưởng xấu đến nhân cách, phẩm giá con người; là thiếu nhân đạo, nhân văn. BLGĐ ở nước ta không phải là vấn đề mới, song đang là vấn đề khá “nóng” và có chiều hướng gia tăng, mặc dù đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Thời gian gần đây có quá nhiều bi kịch gia đình đã và đang xảy ra đẩy con người sa vào cuộc sống bế tắc, vào chốn lao tù và thậm chí là chỗ chết.
Vấn đề phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Sự thiếu hụt về vật chất nhất thời chúng ta có thể dễ dàng vuợt qua nhưng sự mất mát suy sụp về tinh thần thường để lại những dấu ấn khó có thể phai mờ, nếu không muốn nói là rất nguy hiểm cho thế hệ con cháu chúng ta và cho toàn xã hội. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng, chống BLGĐ, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, song phải lấy phòng ngừa là chính. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, đồng thời làm tốt công tác tư vấn hoà giải. Phòng, chống BLGĐ phải đi đôi với phòng, chống các tệ nạn xã hội khác; tăng cường hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình và BLGĐ, góp phần tiến tới xoá bỏ BLGĐ. Đặc biệt, cần giúp đỡ chị em nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực của người phụ nữ trong gia đình và xã hội thông qua các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn hoặc xây dựng các câu lạc bộ, các trung tâm tư vấn về hôn nhân, gia đình, nhất là chị em phụ nữ khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của mỗi địa phương, cần có chính sách ưu tiên các gia đình nghèo, khó khăn, tạo điều kiện cho chị em có công ăn việc làm, có thu nhập để khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội; đưa vấn đề không có BLGĐ là một tiêu chí quan trọng để xem xét việc công nhận gia đình văn hoá.
Mỗi mái ấm gia đình an vui, hạnh phúc chính là một viên gạch, là nền tảng vững chắc góp phần xây dựng nên một xã hội tươi đẹp, đất nước phồn vinh. Tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa, mỗi địa phương cần phải xây dựng được các quy chế, quy ước nhằm hạn chế những khác biệt, mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột trong mỗi gia đình. Các gia đình cũng cần có ý thức xây đắp chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo không khí hoà thuận, cùng có trách nhiệm chăm sóc nuôi dạy con cái.
Ngày 25-11 hằng năm đã được Liên Hợp Quốc lấy làm ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ. Chiến dịch Quốc gia “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” năm 2014 sẽ có sự tham gia của nhiều nam nghệ sĩ nổi tiếng, các cầu thủ bóng đá cùng truyền tải thông điệp “Đừng vung tay, hãy cầm tay”. Sẽ có nhiều sự kiện diễn ra từ ngày 18/11 đến 16/12 ở 12 tỉnh thành trong cả nước, nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là của nam giới để cùng chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.