Bảo quản hiện vật – công việc thầm lặng của cán bộ bảo tàng

10:33, 06/11/2014

Nằm giữa trung tâm T.P Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi triển lãm, trưng bày hơn 20 nghìn hiện vật, tài liệu của 54 dân tộc anh em của đất nước Việt Nam. Từ hơn nửa thế kỷ nay, đây là một địa chỉ tham quan, học tập, nghiên cứu và hưởng thụ văn hóa của cán bộ, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế.

Cũng trong suốt khoảng thời gian nói trên, khi bên ngoài tiền sảnh và các phòng triển lãm, trưng bày ngày nào cũng “vui như Tết”, thì khu nhà kho kề đó, có những con người lặng lẽ làm việc, tỉ mẩn bảo quản, tu sửa, phục dựng từng hiện vật, tài liệu để kéo dài tuổi thọ cho tài sản Quốc gia. Đó là những người làm nghề sân sau của Bảo tàng, điển hình trong số họ là chị Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Kiểm kê, Bảo quản của đơn vị.

 

Chị Thúy tâm sự: Thực tế có ít người muốn chọn nghề này vì vừa độc hại, lại buồn tẻ, vất vả. Hơn thế, tiêu chí đầu tiên nghề đặt ra là kén người có đạo đức và đức tính kiên trì. Vì nếu không có đạo đức, lòng tham nảy sinh dẫn đến mất mát “bảo vật” Quốc gia. Còn thiếu đức tính kiên trì, làm việc nôn nóng, gây hư hại hiện vật… Chị đã nói với tôi bằng một sự đúc kết của cá nhân mình trong suốt 26 năm công tác tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chị cũng đã mang sự đúc kết, kinh nghiệm nghề truyền đạt lại cho những bạn trẻ trong cơ quan. Chị Thúy cho biết thêm: Các hiện vật, tài liệu cũng có số phận như một con người, có ngày sinh, sự hiện hữu và tích chuyện mang giá trị văn hóa riêng. Có hiện vật cần được bảo quản làm sạch, nhưng có hiện vật cần được “cấp cứu” bằng cách xử lý trị liệu ngay.

 

Từ các nguồn, do cán bộ của đơn vị đi sưu tầm; do nhân dân hiến tặng hoặc bằng cách trao đổi giữa các Quốc gia, từng hiện vật, tài liệu được Bảo tàng tiếp nhận, giao Phòng Kiểm kê, Bảo quản vệ sinh làm sạch, bảo quản phòng ngừa, rồi lập hồ sơ, đưa ra hội thảo khoa học. Sau đó hiện vật, tài liệu được mang trưng bày. Gần đây nhất, năm 2013, Phòng đã tiếp nhận gần 1.000 hiện vật; tìm chọn, xuất, nhập, vệ sinh, bảo quản, sắp xếp khoa học được 2.227 hiện vật, tài liệu phục vụ cho 6 đợt trưng bày triển lãm nghề: Thêu, dệt, may, nhuộm truyền thống các dân tộc; tìm chọn, lập danh mục, vận chuyển 471 hiện vật đồ mộc lên nhà triển lãm chè trên đồi Chánh Sứ để xử lý phun hóa chất chống mối mọt; bảo quản chống rỉ 182 hiện vật đồ kim loại; giặt, hong phơi, là 850 hiện vật đồ dệt… Dựa trên chất liệu các loại hiện vật, tài liệu, chị cùng cán bộ, viên chức của Phòng phân thành 11 nhóm và sắp xếp các hiện vật khoa học, nhờ đó công việc kiểm kê, bảo quản được thuận lợi, hiệu quả hơn.

 

Trong khi đưa chúng tôi đi thăm một số kho, phòng bảo quản, chị Thúy cho biết: Những năm gần đây, Bảo tàng đã đầu tư các thiết bị cần thiết để bảo quản hiện vật, các yếu tố ngoại cảnh là thời tiết, độ ẩm không khí được khắc phục, nhưng mọt vẫn là kẻ thù số 1 của các hiện vật, tài liệu. Mọt thường là 2 loại, mọt cám và mọt sâu. Ít năm trước, chiếc máy quạt thóc (hiện vật đồ mộc) bị mọt cám, chúng tôi đã xử lý bằng cách tháo rời từng bộ phận, mang ngâm nước vôi rồi hong khói bếp, nhờ đó hiện vật được kéo dài tuổi thọ. Mọt sâu được phát hiện qua tiếng nghiến gỗ ken két và phân mọt đùn ra ngoài. Loại mọt này xử lý đơn giản hơn, chỉ cần dùng xi lanh bơm hóa chất vào là mọt chết.

 

Chúng tôi biết, công việc của người làm nhiệm vụ bảo quản hiện vật, tài liệu ở Bảo tàng như chị Thúy rất khắt khe. Như lời chị nói thì yếu tố đầu tiên là đạo đức, sự kiên trì. Nhưng tôi nghĩ về những người làm nhiệm vụ bảo quản, luôn cần có kiến thức khoa học và kinh nghiệm, mà chị Thúy, thạc sĩ văn hóa học là người hội tụ đủ các yếu tố: Đạo đức, kiên nhẫn, trình độ học vấn và kinh nghiệm. Điều đó thể hiện thông qua những công trình khoa học do chị làm chủ đề tài và đứng tên chung với anh, chị em trong cơ quan. Từ năm 1990 đến nay, với tổng số 8 đề tài, trong đó có 4 đề tài cấp Bộ; 4 đề tài cấp Viện. Chị có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đạt xuất sắc là: “Nghề thủ công truyền thống của người Nùng ở Việt Nam” và “Nghiên cứu Văn hóa dân tộc Tà Ôi, Co, Hrê ở Việt Nam”. 2 đề tài này còn được nhận giải Ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của chị thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, có nội dung phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương V của Đảng về “Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Đây là những đề tài mang tính chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa tộc người chưa được khai thác. Các đề tài phác họa diện mạo về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc: Cờ Lao, Dao, Nùng, Co, Chứt, Mảng… bao gồm đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và tổ chức xã hội. Đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu toàn diện về những tộc người thiểu số còn rất ít, có nguy cơ bị biến mất bản sắc văn hóa truyền thống, như đề tài: “Nghiên cứu trang phục người Cờ Lao”; “Trang phục người Dao Tiền ở Ngân Sơn (Bắc Kạn)”; “Văn hóa dân tộc Co”; “Văn hóa dân tộc Chứt ở Quảng Bình”. Chị cho biết thêm: Tháng 7-2014, tôi đã hoàn thiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu văn hóa dân tộc Mảng phục vụ hoạt động Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam”. Đề tài được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá đạt xuất sắc.