Cuộc sống mới trên bản Lân Vai

15:29, 02/11/2014

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi ở lại một đêm trên bản Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Màn đêm buông xuống, cả bản lung linh ánh điện từ những mái nhà sàn. Bên bếp lửa hồng, Trưởng bản Hoàng Khình ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống đổi mới nơi bản vùng cao này…

Nhấp ngụm chè tươi nóng hổi, người Trưởng bản bồi hồi nhớ lại: Bản có 63 hộ gia đình với 290 nhân khẩu, trong đó 61 hộ gia đình là đồng bào dân tộc Mông (chiếm 97%) di cư từ Cao Bằng, Tuyên Quang xuống từ những năm 1960. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu lại thiếu đất sản xuất, sinh đẻ không có kế hoạch, đường sá đi lại vất vả nên cuộc sống của đồng bào hết sức khó khăn. 100% số hộ trong bản đều thuộc diện hộ nghèo. Diện tích đất canh tác của bà con phần lớn là đồi núi, cây lương thực chính là cây ngô nên hầu hết đồng bào đều ăn mèn mén thay cơm. Cứ đến vụ giáp hạt là gần như cả bản bị đói, phải rủ nhau vào rừng hái nấm, đào củ mài về ăn. Cái bụng chưa no nên nên việc học hành của con em đồng bào cũng chẳng ai để ý đến…

 

Đó là chuyện của của những năm trước kia, còn giờ đây, đời sống của đồng bào đã đổi thay rất nhiều. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, đồng bào Mông ở bản Lân Vai đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án: 134, 135, 167 và các chương trình mục tiêu Quốc gia khác để đầu tư xây dựng: Đường giao thông, nhà văn hóa, trường học và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung…; bên cạnh đó, đồng bào còn được hỗ trợ kinh phí mua các loại máy móc nông nghiệp, như máy xay xát, máy cày, máy tẽ ngô… được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, trình độ canh tác của bà con ngày càng nâng cao. Nếu như trước kia, đồng bào Mông ở Lân Vai chỉ độc canh một số giống ngô truyền thống thì nay họ đã chuyển đổi sang gieo trồng các loại giống ngô lai có năng suất cao như: DK 999, DK 4300, LVN 61, LVN 99...  Không chỉ có vậy, một số hộ còn mạnh dạn vay nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò nhằm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, bản có trên 150 con lợn, gần 100 con trâu, bò…

 

Đến thăm gia đình anh Đào Văn Lý, một trong những hộ được công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2013, anh phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi không có đất trồng lúa. Trước đây, mỗi năm gia đình tôi trồng khoảng 10kg giống ngô ta trên nương (tương đương khoảng 0,8ha). Cuối vụ thu hoạch chỉ được khoảng 5-6 tạ ngô hạt, không đủ cho 7 miệng ăn của gia đình. Từ năm 2009, nghe lời cán bộ nông nghiệp xã, gia đình tôi cùng với bà con trong bản chuyển sang trồng giống ngô lai DK 4300, năng suất cao gấp hơn 2 lần giống cũ. Mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 1 tấn ngô hạt đem ra chợ bán để mua gạo. Năm 2011, tôi còn được Ngân hàng Chính sách - Xã hội tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để mua 2 con trâu về chăn nuôi. Có vốn làm ăn, cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn nữa. Giờ đây, tôi đã sắm được ti vi, tủ lạnh, bàn ghế và hai chiếc xe máy để đi lại. Các con tôi đều được học hành đầy đủ.

 

Ba năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của bản Lân Vai liên tục giảm từ 8-10%/năm. Riêng năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 14,3%, từ 60,3% xuống còn 46%. Mặc dù, cuộc sống vẫn còn chưa hết khó khăn, song hiện nay, bản không còn hộ đói, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đồng bào hầu hết không phải ăn mèn mén thay cơm như trước. 80% số hộ trong bản có phương tiện nghe nhìn; 100% số hộ có xe máy; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Bản đã có Nhà văn hóa khang trang với diện tích hơn 200m2 để làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa văn nghệ trong những ngày lễ, Tết… Đặc biệt, mới đây, con đường vào bản được nhà nước đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, Bà Hoàng Thị Tách (65 tuổi) cho biết: Từ khi có con đường bê tông, việc đi lại, giao thương của người dân trong bản thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, chúng tôi phải đi bộ trên con đường mòn nhỏ hẹp, men theo những sườn núi đá sừng sững thì nay xe máy, ô tô đã vào được tận bản. Việc vận chuyển nông sản ra chợ để bán và trao đổi các mặt hàng phục vụ sản xuất và sinh hoạt không còn khó khăn, vất vả nữa. Có đường mới rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

 

Bên cạnh những tiến bộ về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông ở Lân Vai cũng có nhiều nét khởi sắc. Vài năm gần đây, đồng bào đã có ý thức tự giác trong việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch nên bản không có người sinh con thứ 3 trở lên. 100% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh con tại các cơ sở y tế. Nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã dần được xóa bỏ, bà con dân bản khi đau ốm đã đến Trạm Y tế xã khám, chữa bệnh, không còn cúng bái như trước nên số người chết do ốm đau đã hạn chế đáng kể. Trong các đám hiếu, hỷ, đồng bào đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, không tổ chức ăn uống linh đình gây phiền hà, tốn kém như trước. Bản hiện nay không có người nghiện ma túy hay mắc các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, bà con không bao giờ nghe theo lời kẻ xấu xúi dục để làm những việc trái pháp luật, trái với văn hóa truyền thống của người Mông... Đây có thể coi là những tiến bộ vượt bậc trong nhận thức cũng như đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Chính vì vậy, bản Lân Vai nhiều năm liền được công nhận là Khu dân cư Văn hóa và là một trong những “điểm sáng” của người Mông trên địa bàn huyện Võ Nhai trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

 

Chia tay bản người Mông Lân Vai khi mặt trời vừa ló rạng bên sườn núi, nhìn  những bắp ngô to tròn, chắc mẩy, chúng tôi không khỏi vui mừng trước sự đổi thay của mảnh đất vùng cao này. Tin tưởng rằng, trong tương lai, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành và sự nỗ lực vươn lên của người dân, bản Lân Vai sẽ ngày càng khởi sắc hơn nữa.