Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm

16:59, 23/11/2014

Cụm từ “sở hữu trí tuệ” ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua tăng đáng kể theo từng năm. Tuy nhiên, so với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì việc người dân hiểu, khai thác và phát triển các giá trị từ sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn còn nhiều hạn chế.

Tính đến nay, Luật SHTT đã có hiệu lực thi hành được hơn 8 năm. Để Luật được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực xây dựng và ban hành các văn bản nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động SHTT. Theo đó, trung bình mỗi năm, Sở KH-CN phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và sở hữu công nghiệp (SHCN) cho nhiều thành phần, đối tượng, cùng với đó là phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, mở chuyên mục trên báo, đài truyền hình địa phương và trên trang website của Sở. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò của SHTT trong quá trình phát triển KT-XH.

 

Nếu như năm 2009, cả tỉnh mới có 32 đơn đăng ký và 25 văn bản bảo hộ SHCN được cấp, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 65 đơn đăng ký và 39 văn bản được cấp. Do các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT khi đưa ra thị trường đòi hỏi phải được kiểm tra, quản lý chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt nên đã nâng cao được chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất, kinh doanh. Qua khảo sát tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cho thấy, các sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, giá thành thường tăng trung bình từ 20-30% so với trước đó và với sản phẩm cùng loại không được bảo hộ. Thậm chí có những sản phẩm còn tăng gấp từ 1,5-2 lần. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 500 nhãn hiệu được cấp Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, so với con số trên 3.000 DN và hàng vạn cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì số các sản phẩm được bảo hộ vẫn còn rất khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH-CN thì nguyên nhân chính khiến nhiều người chưa chú trọng đến việc phải đăng ký bảo hộ SHTT là do hầu hết các chủ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa và tác dụng của việc đăng ký SHTT. Phần lớn mọi người vẫn nhận thức chỉ khi nào sản phẩm hay DN, cơ sở của mình tạo dựng được thương hiệu thì mới đi đăng ký bảo hộ, điều này khiến không ít DN, cơ sở rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” bởi không lường trước được rằng tên sản phẩm, nhãn hiệu của mình đã có người đăng ký bảo hộ trong phạm vi cả nước, thậm chí là quốc tế. Do đó, họ vừa không thể đăng ký bảo hộ, vừa có thể bị kiện và không được sử dụng nhãn hiệu, tên gọi sản phẩm mà mình vẫn đang sử dụng bất cứ lúc nào.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng đã dẫn ra cho chúng tôi một số vụ việc điển hình liên quan đến việc đăng ký bảo hộ. Đó là trường hợp của một sơ sở sản xuất bánh ngọt trên thị trường tỉnh. Sau nhiều năm tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, cơ sở này mới đến Sở KH-CN để được hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, sau khi tra cứu thì phát hiện nhãn hiệu này đã được cấp cho một cơ sở có cùng ngành nghề kinh doanh ở tỉnh khác, nên không thể nộp đơn đăng ký bảo hộ được. Để thay đổi nhãn hiệu, cơ sở không muốn; còn nếu vẫn muốn được sử dụng nhãn hiệu đang dùng thì cơ sở này phải xin phép cơ sở đã được bảo hộ. Hay như 1 trường hợp hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Với hàng chục năm có mặt trên thị trường, thương hiệu T đã được rất nhiều người biết đến, nhưng ông chủ của thương hiệu này không hề nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Chỉ đến khi xuất hiện một cơ sở thời trang khác có nhãn hiệu gần giống thì chủ cơ sở mới tìm đến đăng ký. Rất may, nhãn hiệu đó chưa có ai đăng ký nên ông chủ này mới giữ được thương hiệu của mình.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, trên thực tế đã xảy ra một số vụ tranh chấp về nhãn hiệu, có trường hợp thì trùng, có trường hợp thì tương tự. Và bao giờ phần ưu tiên cũng thuộc về người đã đi đăng ký bảo hộ trước. Thực tế cũng cho thấy, nhiều trường hợp, chủ DN hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm Luật SHTT một cách vô tình do thiếu hiểu biết, nhiều người đặt tên sản phẩm theo ý thích của bản thân mà không hề biết tên sản phẩm đó đã có người đăng ký bảo hộ. Và dù vô tình hay cố ý thì những trường hợp đăng ký sau bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ cửa hàng sắt thép ở T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trước đây, nhãn hiệu sản phẩm của tôi bị trùng với 1 DN ở tỉnh Bắc Giang nên việc giao dịch với một số khách hàng có sự nhầm lẫn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh. Chính vì thế, tôi đã chủ động đặt lại nhãn hiệu sản phẩm của mình. Phải mất một thời gian dài và tốn khá nhiều lời giải thích với khách hàng về việc thay đổi này, DN của tôi mới trở lại hoạt động bình thường. Năm trước, khi mở thêm một số ngành nghề kinh doanh mới, việc đầu tiên tôi làm là đến Sở KH-CN để được hướng dẫn bảo hộ cho các nhãn hiệu sản phẩm của mình. Có một trong 3 nhãn hiệu tôi định đăng ký trùng với 1 sản phẩm khác ở tỉnh Bắc Ninh nên tôi đã thay bằng 1 nhãn hiệu khác. Việc đăng ký bảo hộ SHTT đối với nhãn hiệu rất đơn giản, chi phí bỏ ra cũng không nhiều nên tôi có một lời khuyên đến những ai đang làm kinh doanh, sản xuất: Bạn đừng đợi sản phẩm hay DN của mình thành danh mới đi đăng ký bảo hộ SHTT, vì rất có thể khi đó, nhãn hiệu của bạn đã thuộc quyền sở hữu của người khác, và như thế, bạn có thể bị kiện bất cứ lúc nào.