Gương sáng giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số

08:11, 27/11/2014

Tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ 2, năm 2014 có rất nhiều tấm gương sáng trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân dịp này, Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ngắn với một số tấm gương tiêu biểu...

Bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống

 

Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm CLB Soọng cô, xã Sơn Cẩm (Phú Lương): Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, đã được lưu giữ qua hàng trăm năm. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, đan xen nhiều loại hình văn hóa thì vấn đề khôi phục, bảo tồn các phong tục truyền thống, trong đó có hát Soọng Cô là chuyện không đơn giản và cần có thời gian. Tôi đã cùng một số người cao niên trong xã đứng ra chép lại các bài hát, đồng thời vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô. Sau 2 năm thành lập, đến nay CLB đã thu hút 104 hội viên sinh hoạt ở 3 chi hội. CLB đã tổ chức được một số hoạt động sôi nổi thông qua việc tổ chức các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Cũng từ đây, phong trào dạy và hát Soọng cô và nhiều trò chơi dân gian truyền thống đã lan rộng ra toàn xã và cả các xã có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu. Tôi nghĩ bản sắc văn hóa dân tộc chính là động lực quan trọng để xây dựng đời sống ấm no.

 

Tuyên truyền vận động đồng bào bằng trách nhiệm và tình cảm

 

Bà Dương Thị Xuân, dân tộc Dao, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông (Đại Từ): Xã Hoàng Nông (Đại Từ) có 1.430 hộ, hơn 5 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%. Là địa phương có thế mạnh về cây chè, những năm gần đây, tôi đã đến từng gia đình bà con dân tộc thiểu số để động viên, hướng dẫn họ đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích chè bằng các giống cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Bên cạnh đó, tôi đã tư vấn giúp bà con hiểu rõ các chính sách dân tộc, giúp đỡ các hộ làm thủ tục vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, những năm gần đây, diện tích chè của xã đã không ngừng tăng lên. Từ năm 1999 đến nay, xã đã trồng mới được hơn 300ha chè cành các loại, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên 433ha.

 

Với vai trò là lãnh đạo xã, bản thân cũng là người dân tộc thiểu số, tôi luôn quan tâm bám sát, tận tình hướng dẫn bà con có thêm kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình.

 

Phát huy tinh thần gương mẫu

 

Ông Ma Văn Long, dân tộc Tày, ở  xóm Làng Mố, xã Trung Hội (Định Hóa): Với kinh nghiệm gần 10 năm làm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận tôi luôn quan niệm bản thân phải phát huy tinh thần gương mẫu. Trong mọi công việc, tôi đều gương mẫu thực hiện và vận động các thành viên trong gia đình ủng hộ các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Điển hình như việc đưa các giống lúa lai (Syn6, Bio 404…) hay chuyển đổi từ các giống chè cũ sang trồng chè cành (Bát Tiên, TRI 777, LDP1…) gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trong xóm thực hiện. Năm 2011, xóm tiến hành xây dựng con đường bê tông liên xóm dài khoảng 1km, gia đình tôi đã tự nguyện hiến khoảng 400m2 đất trồng lúa. Từ năm 2011 đến nay, tôi đã cùng với Ban vận động làm đường bê tông của xóm huy động người dân hiến gần 4.000m2 đất, đóng góp tiền và ngày công để làm hơn 3km đường bê tông. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của xóm Làng Mố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ 10 năm trở lại đây, Làng Mố không có người sinh con thứ 3 trở lên, xóm không có tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Năm 2014, 95% số hộ trong xóm đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

 

Tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ

 

Đại biểu Hà Thị Kiều Anh, dân tộc Kháng, giáo viên Trường THPT Bắc Sơn (Phổ Yên): Sinh ra và lớn lên tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, tôi học ngành Sư phạm rồi bén duyên với vùng đất Thái Nguyên đã hơn 10 năm qua. Trong quá trình công tác tại Trường THPT Bắc Sơn, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi, tự hoàn thiện và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi được đóng góp sức mình vào việc đào tạo, dìu dắt thế hệ trẻ để các em thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó là động lực lớn để tôi thêm yêu nghề và tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn mọi nhiệm vụ được giao.

 

Năng động và nhiệt tình trong công việc

 

Bà Đinh Thị Thủy, dân tộc Tày, Trưởng xóm Đồng Ca, xã Tân Hòa (Phú Bình):  “Xóm Đồng Ca có 100 hộ dân, với 470 nhân khẩu, trong đó 50% dân số là dân tộc Tày, Nùng. Với vai trò là Trưởng xóm và cũng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôi luôn gương mẫu thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tôi đã phối hợp với Chi bộ, chính quyền và Ban Công tác Mặt trận của xóm vận động người dân thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết; tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng để phát triển kinh tế. Đồng thời, khuyến khích bà con đưa một số mô hình kinh tế cho hiệu quả cao như: Mô hình nuôi lợn rừng, gà đồi, giống lúa lai BTE-1, Nhị ưu 838... vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Đời sống của người dân trong xóm đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18% (giảm 20% so với năm 2009), thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm”.

 

Vận động đồng bào như chính với người thân trong gia đình

 

Ông  Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai): Xóm Mỏ Chì, có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gồm 114 hộ với 530 nhân khẩu. Để đồng bào hiểu được nội dung những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, tôi đã thường xuyên phiên dịch các văn bản ra tiếng Mông rồi đến từng hộ để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Những năm trước đây, một số hộ dân đã bị phần tử xấu lôi kéo vào các hoạt động tà đạo, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Tôi đã đến vận động, phân tích cho mọi người hiểu được những tác hại của tà đạo, những luận điệu sai trái mà kẻ xấu xúi giục và không theo nữa.

 

Về đời sống đến nay nhiều phương pháp khoa học kỹ thuật mới đã được bà con áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhiều giống ngô mới năng suất cao đã được đưa vào trồng đại trà. Toàn xóm đã có 22 máy nông nghiệp phục vụ cho canh tác, chế biến thức ăn chăn nuôi, đã góp phần giải phóng sức lao động cho người dân.