Hội chợ của những miền di sản

08:00, 14/11/2014

Theo Chương trình hợp tác phát triển du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc”, Hội chợ Triển lãm du lịch, Văn hóa ẩm thực và Thương mại mỗi năm được tổ chức 1 lần. Tỉnh Hà Giang là địa phương tiên phong khai cuộc vào năm 2009, và lần lượt đến các tỉnh… Năm 2014, Thái Nguyên - Thủ đô Việt Bắc là địa phương đăng cai tổ chức Hội chợ độc đáo này.

 Theo Ban tổ chức: Gần 200 chủ gian hàng tham gia Hội chợ đều đăng ký chấp hành trưng bày, bán các sản phẩm hàng hóa có tem nhãn; hàng hóa có xuất xứ rõ ràng theo quy định của pháp luật.

Hò hẹn mãi, rồi cuối cùng cũng đến Hội chợ Triển lãm du lịch, Văn hóa ẩm thực và Thương mại. 1 trong 8 nội dung hoạt động chính của Chương trình du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ VI - Thái Nguyên năm 2014”. Để thuận lợi trong việc đi lại và bảo đảm an ninh trật tự cho người dân và du khách trong nước, quốc tế, Ban Tổ chức Hội chợ đã lựa chọn trục đường Hùng Vương, đoạn trước cửa Rạp chiếu bóng tỉnh mở Hội chợ, và dựng tại đó những gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm. Hội chợ được mở cửa từ ngày 14 đến hết ngày 20-11-2014.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Hội chợ năm nay có chủ đề: Liên kết hợp tác phát triển du lịch, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc. Mục đích của Hội chợ là nhằm liên kết, hợp tác, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Việt Bắc; giới thiệu chế độ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tham gia liên kết, hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc gắn với các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô

 

Nội. Hội chợ đồng thời là một trong những hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố lân cận. Qua hoạt động này nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

 

Hội chợ được tổ chức giữa lòng Thủ đô Việt Bắc, nhưng không vì thế mà những siêu thị, nhà hàng làm khuất lấp đi một nét đẹp văn hóa vốn có của những chợ phiên của đồng bào các dân tộc miền núi, bởi đó là từng gian hàng, quầy giới thiệu sản phẩm của từng địa phương được bài trí mang nét duyên của một chợ quê. Ngay cổng chợ, Ban Tổ chức công phu khắc họa bằng hình ảnh cây đa cổ thụ, mang những chùm rễ lớn bao lấy một cổng làng, kề đó có con trâu mộng kéo xe lúa vàng ruộm gợi tưởng về một mùa màng bội thu. Những hình ảnh ấy tạo nên nét độc đáo, ấn tượng riêng biệt khác hẳn so với các Hội chợ triển lãm Du lịch được tổ chức từ những năm trước ở các tỉnh bạn. Bằng hình ảnh như vậy, nhiều du khách về Hội chợ bất chợt như thấy mình đang đứng dưới “tán đa”, ngắm “cổng làng”, cảm nhận như mình được gần gũi hơn với thiên nhiên. Khung cảnh từ cổng chợ còn đặc biệt gợi cho du khách nhớ về miền quê cổ tích, có “Cây đa, bến nước, sân đình”, nơi mình được nghe câu hời ru của mẹ, để lớn khôn, bôn ba, thành danh hoặc vạn bất đắc dĩ sống bằng nghề bán sức lao động ngoài phố, rồi khi bước chân vào chợ, ních vai, chen chân, xem hàng, ngắm người chợt tìm được cho riêng mình cảm nhận sự ấm áp, thân thiện, gần gũi.

 

Giữa ồn ào, náo nhiệt, anh ở mạn ngược về, chị ở miền xuôi lên, tôi miền trung du đến, hội lại thành chợ. Một phiên chợ của vùng Việt Bắc, ngoài các mặt hàng dân dụng như đồ điện tử, quần áo ấm, đồ chơi trẻ em, chăn đắp, lâm thổ sản… Đi ngắm chợ, lúc chân mỏi, miệng khô, bụng ồn ào sôi cũng là khi vào đến khu ẩm thực. Mùi của “Sơn hào, hải vị” lừng lựng tỏa thơm làm đôi chân luýnh quýnh muốn sà ngay vào một quán nào đó mà thưởng thức, nhưng nét độc đáo của chợ như hối thúc, mời gọi mọi người ngắm nghía cho thỏa thích, nhất là sự hấp dẫn của từng món ẩm thực dân tộc từ các miền sơn dã hội về, nào: Dê tái, thắng cố ngựa, cháo ấu tẩu của người Mông (Hà Giang); lợn quay, vịt quay ướp hoa hồi của người Tày (Lạng Sơn); hạt dẻ nướng, xôi trám của người Cao Bằng; bánh cuốn cà cuống, bún chấm hà và các món ăn từ măng rừng, thịt trâu phơi khô trên gác bếp và rượu ngô của người Tuyên Quang; tôn chua Ba Bể, bánh Cooc mò, Khau nhục của người Bắc Kạn… Ngoài sản vật của các tỉnh Việt Bắc, còn có bánh đa cua của người Hải Phòng; cơm cháy, đặc sản Ninh Bình; chè sen long nhãn đất Hưng Yên… Đặc biệt, người Thái Nguyên có xôi ngũ sắc, cơm lam và trà đặc sản, thứ trà uống vào thấy nôn nao một khoái cảm đầy thi vị lãng tử.

 

Đến Hội chợ, ngoài thưởng thức các món ăn độc đáo trên nhiều miền đất nước, du khách còn được tham quan khu triển lãm, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, tranh, ảnh, trang phục các dân tộc; công cụ sản xuất, sinh hoạt và nhạc cụ dân tộc. Quảng bá về mảnh đất và con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, các dịch vụ, các chương trình tuor, tuyến, khu, điểm du lịch, di sản văn hóa, các dự án kêu gọi đầu tư, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch của các tỉnh, và được thỏa sức mua sắm…