Khắc phục tình trạng năng suất lao động thấp

10:08, 19/11/2014

(TN) - Năng suất lao động là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất. Vì vậy làm thế nào để nâng cao năng suất lao động luôn được đặt ra cho mỗi quốc gia nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng.

Việt Nam hiện nay đang đứng trước một thách thức đó là chất lượng đào tạo nghề cho lao động còn chưa phát triển, nhiều bất cập, chưa theo kịp được nhu cầu của các cơ sở sản xuất; mặt khác số lao động chưa qua đào tạo còn nhiều, nên năng suất lao động còn thấp, thậm chí rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

 

Hiện nay, năng suất lao động của người Việt Nam tuy có tăng chút ít so với mức bình quân của các nước trong khu vực, nhưng còn rất thấp so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể năng suất lao động của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với lao động Singapore, bằng 1/5 so với lao động Malaysia và bằng 2/5 so với lao động Thái Lan… Tính bình quân trong các nước ASEAN thì năng suất lao động của lao động Việt Nam chỉ vào khoảng 50% năng suất lao động của các nước ASEAN mà thôi. Chính vì vậy, việc làm thế nào để tạo ra bước chuyển căn bản, mang tính chất bứt phá để nâng cao năng suất lao động của lao động Việt Nam đang là vấn đề hết sức quan thiết trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và các cơ sở sản xuất nói riêng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì ngoài vấn đề đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ, tiếp cận với trình độ sản xuất tiên tiến thì việc đào tạo nguồn nhân lực là công việc phải thực hiện sao cho hiệu quả nhất, mang tính bền vững.

 

Việt Nam trước đây và không ít cơ sở đào tạo nghề hiện nay vẫn lệ thuộc vào cơ chế, chính sách xin - cho nên thường vẫn đào tạo theo kế hoạch. Có gì, cho gì đào tạo cái đó. Vì vậy người lao động khi ra trường, trình độ không thể đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Ngay tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, thậm chí cao hơn nhưng nguồn nhân lực này cũng không thể đủ điều kiện để làm việc tại các công ty do người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và các công ty tại nước ngoài. Một số ít có trình độ khá nếu được tuyển chọn, đa phần các cơ sở sử dụng lao động này phải cho đi đào tạo lại để phù hợp với yêu cầu của họ. Từ thực tế trên, việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội nói riêng và cụ thể hơn là nhu cầu của các cơ sở sử dụng lao động là một hướng đi không thể khác để cải thiện chất lượng lao động Việt Nam. Đây là vấn đề đang được các cơ sở đào tạo quan tâm và hướng tới. Hàng loạt các cơ sở dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng đã rất mạnh mẽ trong đổi mới phương pháp đào tạo, thay đổi, bổ sung giáo trình đào tạo, mở thêm các ngành nghề mà xã hội đang cần. Trên thực tế giữa các cơ sở đào tạo và các cơ sở sản xuất đã có sự tiệm cận với nhau, phối  hợp và phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng lao động, qua đó nâng cao năng suất lao động vần còn phải cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của những nhà quản lý, sự phối hợp tốt giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo.

 

Theo lộ trình đến năm 2015, thị trường lao động trong ASEAN sẽ hình thành, qua đó đòi hỏi lao động của các quốc gia trong khu vực phải có sự cạnh tranh. Lao động khi đó của Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới đạt trình độ, quy chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế và phải được các nước công nhận. Vì vậy nếu như Việt Nam không bứt tốc trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực thì lao động Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục ở thế yếu so với một số nước trong ASEAN và nhiều quốc gia khác trên thế giới.