Khó nhưng kiên quyết làm

19:22, 22/11/2014

Thực hiện Đề án số 395/ĐA-UBND ngày 15-7-2011 của UBND huyện về "Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Định Hóa giai đoạn 2011-2015" (viết tắt là Đề án 395), cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của công dân. Song, nhiều vụ vi phạm Luật Đất đai vẫn chưa được xử lý dứt điểm...

Trước tiên phải nói rằng, ngay khi Đề án 395 được Huyện ủy, HĐND huyện thông qua, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai các nội dung của Đề án, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn chi tiết giải pháp thực hiện các nội dung của Đề án, thành lập các ban chỉ đạo để triển khai các nội dung của Đề án (như: Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..), xây dựng kế hoạch tuyên truyền và phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh, huyện liên quan đến nội dung của Đề án... Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, số vụ vi phạm về đất đai còn tồn đọng khá lớn. Các trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, chủ yếu mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính hoặc hợp thức hóa hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, tình trạng vi phạm mới phát sinh còn xảy ra ở một số xã trên địa bàn.

 

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Định Hóa: Tổng số trường hợp vi phạm Luật Đất đai trên toàn huyện xảy ra trước và sau tháng 7-2011 (thời điểm bắt đầu triển khai Đề án 395) là 1.054 trường hợp, trong đó số trường hợp phát sinh sau tháng 7-2011 là 57 trường hợp. Huyện mới lập hồ sơ xử lý hành chính được 882 trường hợp vi phạm, trong đó có 293 trường hợp đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn 171 trường hợp chưa được xử lý. Như vậy, ngoài số hộ dân đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Định Hóa còn 761 trường hợp vi phạm về đất đai...

 

Ông Nguyễn Tiến Hợi, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Trên địa bàn xã có 54 trường hợp vi phạm Luật Đất đai xảy ra trước tháng 7-2011. Các trường hợp này đều xảy ra từ những năm 1992-1993 nên hết thời hiệu xử lý, nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất do các hộ dân không đến làm thủ tục chuyển đổi hoặc diện tích đất định chuyển đổi không phù hợp với quy hoạch. Đến nay, xã mới tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất cho 8 trường hợp vi phạm, số còn lại vẫn đang tồn đọng... Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm là do các hộ không có đất thổ cư, buộc phải làm nhà ở trên đất nông nghiệp và khó có điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất do điều kiện kinh tế khó khăn...

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuy UBND các xã, thị trấn đã quán triệt triển khai thực hiện các nội dung của Đề án 395 thông qua các cuộc họp đảng ủy, hội nghị quân dân chính, nhưng có nhiều xã chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu của Đề án cũng như tham mưu cho cấp ủy ban hành các nghị quyết chuyên đề thực hiện, chưa có các văn bản chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai. UBND các xã đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành, tổ công tác giúp việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, tuy nhiên quá trình xử lý còn nhiều hạn chế, chủ yếu giao phó cho cán bộ chuyên môn. Do vậy, việc phát hiện các trường hợp vi phạm chưa được kịp thời và chưa quyết liệt xử lý theo thẩm quyền. Đối với các vi phạm cũ, UBND các xã chưa xây dựng được kế hoạch để phân loại đối tượng vi phạm nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Với các trường hợp mới phát sinh, việc xử lý, ngăn chặn còn lúng túng, thiếu kiên quyết...

 

Với quan điểm xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai còn tồn đọng, không để phát sinh vi phạm mới, thiết lập trật tự, kỷ cương, đưa công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, Ban Thường vụ Huyện ủy Định Hóa đã có Nghị quyết số 06 - NQ/HU ngày 5-5-2014 (Nghị quyết chuyên đề) về tăng cường sự lãnh đạo trong lĩnh vực này. UBND huyện cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn. Theo đó, UBND huyện đã có hướng dẫn chi tiết quy trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm trước và sau thời điểm thực hiện Đề án 395 (tháng 7-2011); chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ địa chính và UBND cấp xã trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; đề ra các giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy, UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm...

 

Ông Lý Văn Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Đến nay, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, phương án xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình xử lý. Ví dụ: Đối với các trường hợp vi phạm trước tháng 7-2011, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ số hộ, diện tích, đối tượng, thời điểm, hồ sơ các vi phạm; xây dựng kế hoạch chi tiết lộ trình xử lý các vi phạm còn tồn đọng. Đồng thời lập hồ sơ vi phạm bổ sung đối với các trường hợp vi phạm chưa có hoặc còn thiếu hồ sơ, ra thông báo đến các hộ về tình hình, mức độ vi phạm và yêu cầu chấp hành thực hiện kế hoạch của UBND xã, thị trấn trong lĩnh vực này. Hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thông báo bằng văn bản đối với các hộ vi phạm nhưng không phù hợp với quy hoạch, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng các công trình trên đất, không được tiếp tục xây dựng và cải tạo mới, có kế hoạch từng bước tự chuyển sang vị trí ở mới phù hợp với quy hoạch khu dân cư trên địa bàn.

 

Rõ ràng, việc xử lý triệt để, dứt điểm những trường vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện Định Hoá đã và đang còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Và vấn đề này rất cần sự vào cuộc kiên quyết của các cấp, ngành chức năng bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật.