Kiểm soát tải trọng tận gốc - hướng nào?

17:02, 19/11/2014

Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp quản lý, nhưng bằng cách này hay cách khác, nhiều phương tiện vận chuyển quá tải vẫn đi qua trót lọt. Vậy, tại sao việc kiểm soát tải trọng xe cơ giới vẫn đang là vấn đề khó giải quyết? Theo chúng tôi, có lẽ lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung vào "phần ngọn", tức là xử lý vi phạm trên đường mà chưa quan tâm đến "phần gốc", quản lý ngay từ nơi giao, nhận, bốc xếp hàng hóa.

Khoảng 2 năm về trước, việc vận chuyển quá tải dường như là chuyện thường tình mà có lẽ ít ai để ý, nhưng từ khi Chính phủ chỉ đạo siết chặt quản lý tải trọng, trật tự vận tải đã từng bước được lập lại. Với Thái Nguyên, nhiều biện pháp quản lý tải trọng đã được triển khai, trong đó ngoài tích cực tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng còn tập trung kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị hỗ trợ khác đã cùng phối hợp tăng cường tuần tra, lập chốt cân tải trọng ở hầu hết các tuyến đường huyết mạch, bước đầu kiềm chế được tình trạng vận chuyển quá tải.

 

Tuy vậy, theo đánh giá chuyên môn, các biện pháp đó vẫn chưa gải quyết được tận gốc vấn đề này. Bởi ghi nhận thực tế cho thấy, các phương tiện chở quá tải vẫn tìm cách tránh né trạm kiểm soát bằng nhiều hình thức. Trong đó, chủ yếu là lợi dụng thời tiết xấu, thời gian nghỉ trưa, đêm khuya hoặc móc ngoặc với cò mồi để dẫn xe đi đường tắt hay tổ chức vượt qua trạm kiểm soát. Có trường hợp còn sử dụng cả "xã hội đen" để thao túng, đe dọa cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Không ít trường hợp sử dụng hóa đơn, phiếu cân, giấy xuất kho hoặc các chứng từ khác không chính xác để “qua mặt” cán bộ kiểm soát vận tải...

 

Như vậy, lâu nay chúng ta chủ yếu tập trung quản lý hoạt động vận tải trên các trục đường. Mặc dù đó là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết song vẫn là chưa đủ. Bởi, khi các phương tiện vận chuyển quá tải bị xử lý nghĩa là phương tiện đó vi phạm quy định và chí ít thì cũng đã chạy được một quãng đường nhất định. Thường khi xử lý, lực lượng chức năng đều yêu cầu chủ phương tiện san tải, điều đó gây nhiều phiền hà, mất thời gian, công sức và chi phí cho cả đơn vị xử lý lẫn chủ phương tiện. Nếu kiểm soát tải trọng ngay từ nơi giao, nhận hàng hoặc nơi bốc xếp hàng hóa thì chắc chắn sẽ không chỉ giảm thiệt hại mà còn mang lại nhiều tiện ích.

 

Thời gian qua, dù chúng ta chưa thực hiện các biện pháp kiểm soát tải trọng tại nơi giao, nhận hàng, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn đã tự thực hiện nghiêm quy định này. Dù lượng hàng vào ra mỗi ngày ở Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là rất lớn, nhưng quy trình xuất, nhập kho luôn được đơn vị thực hiện trên cơ sở bảo đảm tải trọng. Với mỗi xe vận tải, Công ty đều chỉ đạo các nhà máy phải thực hiện nghiêm quy định cân hàng trước khi xuất kho theo đăng ký tải trọng ghi trên giấy tờ xe của chủ phương tiện. Mỗi xe hàng khi qua cổng ra, vào của Công ty đều phải xuất trình giấy tờ cân đo cẩn thận. Đối với những trường hợp đặc biệt phải chở quá quy định, sau khi ra khỏi cổng, Công ty bố trí địa điểm để các đơn vị tự sử dụng xe cẩu san tải hàng hóa trước khi ra lưu thông trên đường.

 

Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty thì chính việc chấp hành quy định tải trọng xe ngay từ khi giao hàng đã giúp cho hoạt động giao dịch nhanh gọn, đáp ứng tiến độ chuyển hàng theo cam kết với đối tác. Nếu để lực lượng chức năng xử lý trên đường vận chuyển thì ngoài việc phải chịu nộp phạt còn làm chậm quá trình giao, nhận hàng, gây thiệt hại cho cả hai phía. Cùng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên còn có một đơn vị ý thức rất cao về vấn đề này, đó là Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn. Theo thông tin từ Văn phòng Công ty, không chỉ khâu xuất hàng mà ngay cả nhập hàng đơn vị này cũng yêu cầu bộ phận nghiệp vụ kiểm soát nghiêm tải trọng xe. Theo ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty thì mỗi ngày đơn vị nhập rất nhiều loại nguyên liệu đầu vào (gồm than, thạch cao, đá vôi, quặng sắt...) thông qua các doanh nghiệp vận tải, nhưng có một quy định gần như bắt buộc là chỉ nhập hàng khi có kết quả cân phù hợp với tải trọng xe cho phép. Một số đối tác tỏ ra khó chịu, nhưng cơ bản phải chấp nhận vì quy định của Công ty đặt ra không thể làm khác.

 

Đối với một số cơ sở nhận bốc, xếp hàng hóa trong tỉnh hiện cũng bắt đầu có ý thức đảm bảo tải trọng xe cho phép. Chúng tôi đã có không ít lần thâm nhập thực tế tại khu vực cảng Đa Phúc, xã Thuận Thành (Phổ Yên) và nhận thấy, một số cơ sở cho thuê bến bãi, làm dịch vụ bốc xếp hàng hóa đã có ý thức nâng cao trách nhiệm chấp hành quy định tải trọng xe. Chủ Doanh nghiệp Thắng Lá chia sẻ: Việc kiểm soát tải trọng hàng hóa đối với mỗi phương tiện vào, ra của chúng tôi là không thể triệt để, nhưng đơn vị luôn quán triệt anh em nâng cao ý thức bảo đảm đúng quy định vận tải. Đại diện một số doanh nghiệp cho thuê bến bãi khác ở cảng Đa Phúc thì cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường lực lượng giám sát hoạt động nhập hàng từ các bến cảng, kho bãi, cơ sở sản xuất lớn nhằm hạn chế tận gốc tình trạng vận chuyển quá tải, thay bằng chỉ kiểm tra hóa đơn, phiếu cân và xử lý vi phạm trên đường.

 

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Trong đó nhấn mạnh: "Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền đối với người vận tải và người bốc, xếp hàng hóa vi phạm quy định tải trọng; báo cáo và đề xuất xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, kinh doanh kho cảng, kho bãi, ga đường sắt, các đơn vị cung ứng hàng hóa không thực hiện đúng quy định về bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô, chở hàng quá tải trọng quy định". Theo chúng tôi, đó là điều cần thiết và phải được các ngành chức năng triển khai thực hiện ngay trên cơ sở tuyên truyền, vận động, ký cam kết thực hiện và tăng cường giám sát thực hiện. Có sự kết hợp giữa xử lý vi phạm trên đường với quản lý theo dõi tại nơi bốc, xếp hàng hóa thì vấn đề quản lý tải trọng xe cơ giới mới có thể giải quyết triệt để.