Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

08:03, 19/11/2014

Trao đổi với tôi về hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, anh Tô Hạ Sỹ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã mời chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị T. (xin được giấu tên) ở tổ 36. Đây là một trong những trường hợp phường đã làm tốt công tác hòa giải, không những góp phần đẩy nhanh tiến độ Dự án khu dân cư Việt Bắc mà còn giúp cho hòa khí gia đình được cải thiện.

Với tính tình cởi mở, bà Phạm Thị T. không giấu chuyện gia đình, bà kể: Từ năm 1960, gia đình tôi được Hợp tác xã chia cho mảnh ruộng ngoài khoán sản với diện tích 355m2. Sau đó, tôi đi công tác nên giao mảnh ruộng khoán trên cho chị gái là bà Bùi Thị V. ở tổ 37 cùng phường.  Chị gái tôi lại giao mảnh ruộng này cho con dâu là chị Đồng Thị T. để trồng rau muống. Năm 1992, tôi trở về xin lấy lại mảnh ruộng để sinh sống, vì gia cảnh nhà tôi lúc ấy rất khó khăn: chồng chết, một mình nuôi 3 con nhỏ và 1 mẹ già. Cháu dâu tôi đồng ý trả một nửa mảnh ruộng và 2 dì cháu cùng sử dụng chung mảnh ruộng để trồng rau từ năm 1992 đến năm 2010. Từ đó đến đến nay, chỉ mỗi gia đình tôi sử dụng mảnh đất này. Câu chuyện trở lên phức tạp kể từ năm 2013, khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai thực hiện Dự án khu dân cư Việt Bắc. Khi các hộ gia đình kê khai đất để nhận bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thì cháu dâu tôi đã kê khai toàn bộ diện tích mảnh ruộng trên là của gia đình mình. Từ đó dẫn đến tranh chấp, không ai chịu ai. Dì cháu tiếng bấc, tiếng chì không buồn hỏi nhau. Tổ hòa giải, các đoàn thể, các ngành chức năng của Phường cũng nhiều lần hòa giải nhưng cháu dâu tôi không đồng ý, vẫn cho đấy là mảnh đất của mình, trong khi không có bất cứ một bằng chứng nào. Còn gia đình tôi lại có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc của mảnh đất. Sự việc căng thẳng đến mức cuối cùng định đưa nhau ra tòa án thì được phường hòa giải có tình, có lý nên tôi đã hiểu ra và đồng ý chia đôi mảnh ruộng. Cũng vì giải quyết được chuyện tranh chấp đất đai giữa hai dì cháu bà T. nên phường đã triển khai được nhanh chóng việc BTGPMB để bàn giao cho Dự án đúng tiến độ. Hoặc vụ gia đình bà Phạm Thị B. ở tổ 7. Trước đây 2 ông bà đã đồng ý cho các con mảnh đất đang ở. Khi chồng bà mất, các con đối xử với bà không tốt nên bà đã thay đổi ý định cho các con và đề nghị ra tòa án xử đòi lại đất. Qua rất nhiều đợt hòa giải từ cơ sở đến phường, các con bà đã đồng ý đo lại đất và làm thừa kế theo thực tế sử dụng của mỗi gia đình. Vụ việc kéo dài từ năm 2007 đến tháng 10 năm 2014 mới giải quyết xong. Quan hệ mẹ con đã được cải thiện.      

 

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn phường trong những năm qua đã được hòa giải thành công. Theo anh Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND phường: Quang Trung là địa bàn tập trung đông người và hàng hóa. Có nhiều dự án đang được triển khai. Do vậy, các vấn đề tranh chấp, kiến nghị, đề nghị, khiếu nai, tố cáo (KN,TC) thường xảy ra. Trong đó chủ yếu là các vụ về tranh chấp đất đai.  Đơn thư KN,TC ngày càng phức tạp. Bình quân mỗi năm phường tiếp nhận trên 100 đơn thư  KN,TC của công dân. Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, phường luôn coi trọng việc tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân. Vì vậy, hàng năm, phường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.

 

Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, phường đã tổ chức 3 lớp tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp công dân và một số vấn đề về Luật Hòa giải cơ sở; Hướng dẫn điều tra thống kê về công tác bồi thường GPMB các dự án, với trên 700 người tham gia. Công tác KN,TC được phường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan; đảm bảo an toàn cho người tố cáo, quyền   và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết. Trong công tác giải quyết đơn thư KN,TC, cán bộ Tư pháp, các tổ hòa giải đều phối hợp tích cực với các ban, ngành của phường, các tổ chức đoàn thể để giải quyết thấu tình, đạt lý.

 

Hiện, toàn phường có 39 tổ hòa giải với 201 hòa giải viên, hầu hết là những người có tinh thần trách nhiệm với công việc, có kinh nghiệm sống, có kiến thức pháp luật, là những hạt nhân tích cực góp phần không nhỏ vào kết quả hòa giải ở cơ sở. Trong đó có những Tổ hòa giải được phường đánh giá cao như: tổ 4, tổ 35, tổ 13; tổ 33... Hoặc có những hòa giải viên rất tích cực như ông Hoàng Minh Tần, Bí thư Chi bộ Tổ 4, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 4, đã vận động thành công một gia đình làm lán, chái vẩy trái phép để ở và bán hàng ngay dưới chân Trạm biến thế trong suốt 20 năm qua, đến nay đã đồng ý tháo dỡ.

 

Chính vì làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, nên 3 năm trở lại đây các vụ, việc trên địa bàn phường đều được giải quyết tốt, không có đơn thư vượt cấp. Qua đó đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định trật tự xã hội; xây dựng khối đoàn kết toàn dân và đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB để bàn giao cho các Dự án đúng tiến độ.