Toàn tỉnh có gần 180 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là 167 nghìn ha gồm xấp xỉ 100 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 67 nghìn ha rừng trồng. Thực tế này cho thấy, rừng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ và phát triển được vốn rừng hiện có lại không phải là chuyện giản đơn.
Theo ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Người dân tuy đã nhận thức được tác dụng, lợi ích của việc bảo vệ và phát triển rừng nhưng chưa thấy được đầy đủ vai trò, vị trí, ý nghĩa của rừng đối với môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một số cá nhân, hộ gia đình tự ý sử dụng vốn rừng không hợp lý, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để khai thác trái phép lâm sản vì mục đích thương mại làm suy giảm diện tích và sản lượng rừng. Đặc biệt, các chủ rừng chưa chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, chưa thực sự quan tâm, tìm biện pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng được giao quản lý. Trong khi đó, chế độ, chính sách về lâm nghiệp của Nhà nước lại luôn có sự đổi mới; cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, trồng rừng và tham gia kinh doanh rừng còn chưa thỏa đáng, chưa khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng nhất là các khu rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng; công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đồng bộ...
Trước thực trạng đó, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với cấp, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân để phát huy tinh thần tự giác của bà con trong việc đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đặc biệt, qua các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng tại các huyện, xã có rừng trong tỉnh, bằng hình thức sân khấu hóa, nhiều văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến công tác này đã được chuyển tải đến người dân một cách gần gũi, dễ hiểu, từ đó giúp bà con nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ông Phạm Văn Cảnh, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) chia sẻ: Trước đây, tôi cứ nghĩ đất rừng của mình, cây giống do mình đầu tư nên mình thích khai thác, thích bán như thế nào là quyền của mình. Nhưng khi đã được tuyên truyền, tôi hiểu, dù là rừng mình trồng, mình vẫn phải khai báo với chính quyền địa phương và làm các thủ tục để được bán cây rừng theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chi cục đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành, trong đó lực lượng Hạt Kiểm lâm làm nòng cốt để thường xuyên kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng như ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng… Trong đó đặc biệt quan tâm đến các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trọng điểm của tỉnh, các khu vực rừng giáp ranh, các khu rừng chưa được giao đến chủ cụ thể...
Với nhiều nỗ lực, từ năm 2011 đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng và tăng cường, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn giảm rõ rệt (riêng 10 tháng năm 2014, chỉ có 5 vụ cháy rừng, số vụ vi phạm chỉ còn trên 340 vụ, giảm khoảng 10-25% so với năm trước). Nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được nâng cao; đã vận động được đông đảo nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần thực hiện xã hội hoá công tác này. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh tạo ra sức mạnh tổng hợp về lực lượng, phương tiện và vị thế pháp lý trong quá trình kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, xóa nghèo, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Về công tác phát triển rừng, tỉnh cũng đã trồng rừng tập trung được khoảng 22 nghìn ha, trong đó có hơn 20 nghìn ha rừng sản xuất. Việc thực hiện các chỉ tiêu chăm sóc rừng cũng đạt cao khi tổng diện tích thực hiện chăm sóc rừng hằng năm là 2.966,6 ha/năm, đạt 100% kế hoạch; khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng được được gần 11,5 nghìn ha; khoanh nuôi tái sinh được 1.250ha; khai thác gỗ được trên gần 500 nghìn m3...
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ chỉ đạo việc thực hiện chuẩn bị hiện trường, thiết kế và cây giống để trồng rừng những năm tiếp theo; tiêp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia trồng rừng; tuyên truyền pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, công tác khuyến lâm đến người dân...