Minh Tiến với nhiều cái khó trong giảm nghèo

10:50, 17/11/2014

Nhìn khu chợ được xây dựng khang trang trị giá hơn 2 tỷ đồng gần như bị bỏ hoang cho cỏ mọc, rêu phong phủ, chúng tôi không khỏi xót xa cho việc đầu tư không hiệu quả. Trong khi đó, một số tư thương buôn bán lại “vô tư” dựng lều, lán tạm bợ bằng tranh, tre, nứa, lá ngay ngoài cổng chợ, gần đường để… tiện bán hàng, làm mất mỹ quan, gây hình ảnh phản cảm. Chỉ cần một hình ảnh đó thôi phần nào cho thấy, nếu với cách làm ăn như vậy, người dân ở xã Minh Tiến (Đại Từ) chưa thể đủ sức “đẩy lùi” cái đói, cái nghèo ra khỏi cuộc sống… 

Hiện nay, xã Minh Tiến vẫn còn 44,87% số hộ nghèo; 28,3% số hộ cận nghèo là con số đáng buồn được Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Gia thông tin. Không buồn sao được khi gần 2 nhiệm kỳ giữ cương vị người lãnh đạo chủ chốt của xã, ông Gia vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu nào để cùng với các đồng chí lãnh đạo xã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Người này chưa kịp thoát nghèo, lại có người khác đã mấp mé ở ranh giới cái nghèo, lý do được ông đưa ra là: Người dân không chịu thay đổi tư duy trong làm ăn, sản xuất, họ “lười” đổi mới, “sợ thất bại”; còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đơn cử như việc chăn nuôi, họ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, không mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn vì không chủ động tìm được đầu ra cho sản phẩm; xã có tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, không phải đóng góp gì, còn được hỗ trợ tiền ăn trưa nhưng nhiều người vẫn không tham gia, vì cho rằng thà ở nhà đi làm thuê còn ra tiền chứ ngồi học chỉ mất thời gian…

 

Nghe ông Gia nói vậy, chúng tôi có phần thiếu… thông cảm với ông, vì không lẽ ông lại là người “ngoài cuộc” trong vấn đề này? Nhưng quả thật, sau khi đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi mới phần nào cảm thông cho nỗi vất vả, “lực bất tòng tâm” của người lãnh đạo ở một xã vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn như Minh Tiến. Xã Minh Tiến có trên 50% số dân là người dân tộc thiểu số, an cư tại 16 xóm nhưng sống rải rác, không tập trung, xóm xa trung tâm xã nhất tới 4km, đường sá đi lại không thuận lợi; trình độ dân trí không đồng đều với tư duy làm ăn nhỏ lẻ, được chăng hay chớ, tự sản tự tiêu dường như đã ăn sâu, bén rễ trong cách nghĩ, cách làm của nhiều người dân nơi đây. Họ có tư tưởng bằng lòng, an phận với cuộc sống hiện tại, không có ý chí vươn lên. Chúng tôi phỏng vấn một số chị buôn bán ở chợ Minh Tiến là tại sao chợ được xây to đẹp, đàng hoàng, các chị không ngồi mà lại ra ngoài cổng chợ, ven đường buôn bán vừa làm mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Chị Nguyễn Thị Hằng, cho biết: Tôi bán vài mớ rau, con cá, vào chợ thì bán cho ai, ngồi gần đường, tiện cho người mua. Còn chị Lương Thị Mai thì nói hồn nhiên: Thấy người ta ngồi được thì tôi cũng ngồi được chứ sao… 

 

Anh Lương Văn Tâm, xóm 4 Tân Hợp thì cho rằng: Chăn nuôi ít, bán đến đâu hết đến đó, chăn nuôi nhiều, không bán được, lỗ vốn, tiền nợ đọng ngân hàng đến đời con có khi còn chưa trả hết. Lo lắm, không làm thế được.

 

Quả thật, thay đổi được tư duy của một con người không phải là điều đơn giản, khi mà xã vẫn chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm để làm gương cho các hộ khác học tập; chưa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ đảng… Người dân chỉ thực sự tin và làm theo khi họ phải “mắt thấy, tay sờ”…

 

Người dân còn đói, nghèo, quy trách nhiệm cho một cá nhân lãnh đạo nào đó là không dễ, nhưng có những lý do mà các đồng chí lãnh đạo ở đây đưa ra cũng là một trong những rào cản không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở nơi đây mà các cấp, ngành chức năng nên xem xét, để có giải pháp phù hợp. Theo ông Hoàng Văn Gia: Hiện nay, xã có khoảng 300ha đất sản xuất lúa, nhưng chỉ có 50% diện tích cấy được hai vụ, còn lại là bấp bênh. Xã muốn chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu qủa sang trồng chè nhưng lại “vướng” chính sách. Trong khi đó, đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa, cây chè, nhưng xã không thuận lợi về nguồn nước, hệ thống kênh mương chưa đảm bảo… Về đội ngũ cán bộ, một bộ phận có tâm lý chán nản vì làm hợp đồng 5-10 năm vẫn chưa đủ điều kiện vào biên chế, thậm chí có cán bộ đã làm hợp đồng với xã tới… 40 năm nay, dù họ là những con người nhiệt tình, mẫn cán trong công việc…

 

Vẫn biết rằng, bài toán “xóa đói, giảm nghèo” là không dễ, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng mỗi chúng tôi vẫn thầm mong sao, mỗi người dân nơi đây sẽ nêu cao ý thức chủ động để vươn lên; mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm, không nên trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước để cuộc sống bớt dần những khó khăn, thiếu thốn… Thông qua sách, báo, truyền hình… người dân có thể tự học được những kinh nghiệm hay, cách làm kinh tế giỏi phù hợp với địa phương mình để áp dụng.