Một ngày cùng cán bộ ngân hàng chính sách

14:28, 05/11/2014

Trong tiết trời se lạnh đầu đông, mặc dù là chủ nhật, nhưng cũng như những buổi giao dịch thông thường khác, các cán bộ Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) huyện Đồng Hỷ lại lỉnh kỉnh với đống đồ đạc gồm máy tính, máy in, máy phát điện, máy soi tiền, máy đếm tiền, két sắt để thực hiện công việc giao dịch tại xã...

Buổi giao dịch hôm đó được thực hiện tại xã Hợp Tiến - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Thông thường, từ trung tâm huyện đi Hợp Tiến, mọi người vẫn chọn cách đi qua các xã Linh Sơn, Nam Hòa, thị trấn Trại Cau, Tân Lợi, nhưng vì con đường này đang xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại trở nên khó khăn và không đảm bảo an toàn, nên các cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã chọn đi theo hướng qua trung tâm Thành phố, xuôi Gang Thép, qua thị trấn Hương Sơn của huyện Phú Bình rồi theo đường vào xã Tân Thành để đến địa điểm giao dịch. Đoạn đường này dài trên 30km, xa hơn so với cách đi thông thường khoảng 7-8km, nhưng so về thời gian thì giảm được khoảng 30 phút, nghĩa là chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Do không có biên chế dành cho lái xe nên các cán bộ nam của Phòng Giao dịch thường phải kiêm thêm nhiệm vụ tài xế.

 

8 giờ, chúng tôi có mặt tại UBND xã Hợp Tiến. Lúc này, đã có khá đông người đứng đợi. Theo lời giới thiệu của anh Dương Quang Vinh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đồng Hỷ, đó chủ yếu là các tổ trưởng tổ Tiết kiệm - vay vốn TK-VV, còn các hộ dân thường đến muộn hơn. Nhìn thấy xe của cán bộ ngân hàng, mọi người nở nụ cười cùng những câu chào hỏi thể hiện sự thân tình, ấm cúng. Ông Lê Văn Thọ, Tổ trưởng tổ TK-VV xóm Hữu Nghị vui vẻ: Chúng tôi vừa đến thì các anh chị cũng về đến nơi. Hôm nay không có nhiều hộ vay mới và đến kỳ trả nợ chắc chỉ khoảng 1 giờ chiều là xong.

 

- 1 giờ!

Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh Vinh tủm tỉm cười bảo: Có hôm đến tận 3 giờ chiều cơ nhà báo ạ.

- Vậy cơm trưa thì thế nào?

- Xong lúc nào, ăn lúc đó. Vì địa điểm giao dịch xa cơ quan nên mấy anh em thường ăn xong mới về.

 

Theo thứ tự được ghi trong tờ giấy “xếp hàng”, ai đến trước thì giao dịch trước. Cứ thế, từng tổ trưởng tổ TK-VV lần lượt thực hiện các công việc của mình với cán bộ ngân hàng. Các công việc chính được thực hiện trong buổi giao dịch bao gồm: Thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm; thu nợ của các hộ đến hạn; giải ngân cho hộ vay mới; xử lý các nghiệp vụ phát sinh và họp giao ban với Ban giảm nghèo, đại diện các hội đoàn thể nhận ủy thác, các tổ trưởng tổ TK-VV để triển khai các chủ trương, chính sách mới.

 

Tranh thủ lúc chưa đến lượt, ông Thọ chia sẻ cùng chúng tôi: Được thực hiện giao dịch tại xã như thế này rất thuận lợi cho những người làm tổ trưởng tổ TK-VV. Hơn nữa, khi giao dịch ở xã, chúng tôi có điều kiện kiểm tra, giám sát lẫn nhau, nên hạn chế được tối đa tình trạng sử dụng vốn sai mục đích hoặc cho vay sai đối tượng. Sau buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng lại công khai kết quả, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; từng hộ còn dư nợ ra sao; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới… Ông Thọ cũng như các tổ trưởng tổ TK-VV khác đánh giá rất cao hiệu quả đồng vốn vay của NHCSXH trong việc giúp người nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Ông bảo, nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện và lãi suất hợp lý, thì chẳng biết các hộ nghèo bao giờ mới có cuộc sống ổn định và khấm khá.

 

Để tạo thuận lợi cho người dân, hầu hết các thủ tục vay vốn đều do tổ trưởng tổ TK-VV đảm nhận. Hiện, 100% các xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có tổ TK-VV, nhiều xóm đông hộ chính sách có thể có 2-3 tổ TK-VV. Tính chung toàn tỉnh hiện có 3.204 tổ. Ngoài việc giúp tổ viên làm thủ tục vay vốn, các tổ trưởng còn có trách nhiệm đôn đốc, thu lãi tiền vay, thu tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của tổ viên để nộp cho cán bộ ngân hàng. Người dân chỉ trực tiếp giao dịch với ngân hàng khi nhận tiền vay mới và trả nợ gốc. Cách làm này không chỉ mang lại cho người dân nhiều tiện ích, mà còn giúp ngân hàng quản lý hiệu quả hơn đồng vốn cho vay. Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ngoài việc các hộ dân có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau, thì việc giải ngân tại xã giúp ích rất nhiều trong việc đảm bảo an toàn cho người dân khi cầm tiền vay về nhà. Đồng thời giúp tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa ngân hàng với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác, qua đó cán bộ ngân hàng có thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng những thuận lợi, khó khăn của người dân để việc phân bổ, quản lý nguồn vốn vay đạt được mục tiêu đề ra. Điều này góp phần giúp tỷ lệ nợ xấu của toàn chi nhánh luôn ở mức thấp, hiện là 2,6 tỷ đồng trên tổng dư nợ 2.096 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,12%. Đến nay, việc giải ngân, thu nợ của NHCSXH đã được thực hiện ở tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

 

Theo quy định, việc giao dịch của NHCSXH tại xã, phường được thực hiện cố định vào 1 ngày của tháng. Chỉ khi ngày giao dịch trùng vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán thì NHCSXH mới được phép thay đổi ngày nhưng phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Ngoài những buổi giao dịch tại xã, phường, thị trấn, các cán bộ của NHCSXH lại bận rộn với việc xử lý hồ sơ cho vay, đôn đốc thu nợ quá hạn, lãi tồn đọng… Trong khi mỗi Phòng Giao dịch chỉ có trên dưới 10 cán bộ, với số lượng khách hàng trung bình từ 10-12 nghìn người và 11 chương trình cho vay đòi hỏi mỗi cán bộ NHCSXH tỉnh phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.