Đã từ nhiều năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) đã trở thành một sự kiện, nhận được đồng thuận sâu sắc của người dân. Có thể nói, đây là một trong những chủ trương được lòng người nhất trong số những cuộc vận động mang tính quần chúng rộng rãi của Đảng, Nhà nước và Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Trước hết, nó đáp ứng được nguyện vọng tối thiểu của con người - vốn là một thực thể xã hội, đó là các mối quan hệ giữa con người với nhau. Gần nhất là quan hệ gia đình, dòng tộc: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", "máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đó". Gần nữa là tình làng nghĩa xóm "Bán anh em xa mua láng giềng gần", là quan hệ bạn bè thân thích. Rộng hơn là mối quan hệ giữa những con người, không chỉ trong phạm vi một quốc gia. Dân tộc Việt Nam ta có truyền thuyết Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng...âu cũng là phản ánh cái nhu cầu gắn kết đó giữa con người với nhau...
Với không khí dân chủ, cởi mở trong thời kỳ đổi mới ở đất nước ta, ngoài các tổ chức chính trị - xã hội (như Công đoàn, Đoàn Thanh niên...) các tổ chức xã hội tự nguyện (như Hội Người cao tuổi, Hội khuyến học...) còn "nở rộ" các hình thức tập hợp quần chúng, mà tâm lý học gọi là “những nhóm sở thích không chính thức" (như Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, các Hội nghề nghiệp) cùng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ khác... Đó là hiện tượng đáng mừng, có tác dụng gắn kết con người với nhau, cũng là cơ sở để người dân ý thức ngày càng sâu sắc hơn về ý nghĩa của Ngày hội ĐĐKTDT. Ngày hội ĐĐKTDT cũng là sự phát triển trên tầm cao mới của ý thức hệ "làng-xã" trong xã hội ta từ ngàn xưa.
Theo dõi trên các phương tiện đại chúng cũng như thực tế ở cơ sở cho thấy, ở hầu hết các địa phương, nếu như một hai năm đầu, Ngày hội ĐĐKTDT chỉ là sự thay thế đơn thuần buổi họp cuối năm ở mỗi làng, xóm, tổ dân phố, thì vài năm trở lại đây, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ các cấp, Ngày hội ĐĐKTDT ở các khu dân cư đã có một chương trình nghị sự bài bản và sâu sắc hơn. Trong đó gồm có phần "lễ" và phần "hội". Ngay từ những ngày cuối tháng 10 hằng năm, ở các làng, xóm, tổ dân phố đã có nhiều cuộc họp bàn về chuẩn bị cho ngày Hội này. Theo đó phần "lễ" là ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc, kiểm điểm lại những việc đã làm được và chưa làm được trong năm. Công bố danh sách các gia đình đạt danh hiệu Văn hóa, biểu dương các cá nhân, gia đình tiêu biểu. Trong không khí trang trọng của buổi lễ, người già được tôn trọng, động viên, trẻ em được nêu gương, nâng đỡ... Phần "hội" là các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn, được chuẩn bị luyện tập từ hàng tuần trước đó, cũng đàn, cũng nhạc, cũng trang phục mầu sắc, cùng với dàn thanh âm sôi động, do các diễn viên gồm cả nam - phụ - lão - ấu tự hát cho nhau nghe mà sao vui vẻ, náo nhiệt đến ngỡ ngàng... Nhưng có lẽ nhộn nhịp vui hơn là ở những nơi tổ chức được bữa ăn đoàn kết. Cả năm mới có dịp ngồi với nhau; cũng chỉ là cơm đóng gạo góp, chẳng phải mâm cao cỗ đầy, không có chủ, không có khách. Mỗi người mỗi chân mỗi tay, ai cũng muốn tham gia vào sự bận rộn cho các món ăn, tự nghĩ, tự làm. Người ta tự rủ nhau vào ngồi cùng mâm, với những câu chuyện, cử chỉ có ý nghĩa "xí xóa" không thành văn những vướng mắc, sơ sẩy trong lời ăn tiếng nói mà chưa có dịp thông cảm, trong mỗi việc làm mà qua thời gian, tự mỗi người thấy có phần khiếm nhã với bà con lối xóm...
Ngoài việc bàn chuyện làng, chuyện nước, ngày hội ĐĐKTDT còn thực sự là nơi để trai tài, gái đảm, các bậc "cây cao bóng cả" thể hiện tình cảm của mình với cộng đồng, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người dân, hướng tới tình làng nghĩa xóm tốt đẹp hơn trong cuộc sống.