Nỗi niềm người dân xóm Bãi Vàng

09:51, 05/11/2014

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi có dịp đến với Bãi Vàng, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Dù đã được cảnh báo trước về mức độ khó khăn của những con đường, nhưng chúng tôi vẫn không thể ngờ nó lại gập ghềnh, hiểm trở đến thế. Bãi Vàng còn “nổi tiếng” khó khăn vì chưa có điện và các cháu học sinh từ bậc THCS phải đi học nhờ ở bên Bắc Giang…

Đồng chí Bí thư Chi bộ Nguyễn Đức Chính đưa chúng tôi đi thực tế trên một số nhánh đường của xóm. Chúng tôi phải leo núi, xuống dốc và băng qua những con suối cạn. “Tài xế” của tôi hôm đó là anh Bàn Sinh Thắng, Bí thư Đoàn xã Hợp Tiến, lúc nào cũng phải tập trung cao độ cho việc lái xe, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người và xe sẽ lăn ngay xuống dốc. Lúc này thì tôi hiểu được vì sao khi biết chúng tôi có ý định vào Bãi Vàng, nhiều cán bộ xã đã tỏ rõ sự e ngại và không quên nhắc nhở về sự an toàn.

 

Xe chúng tôi dừng lại nhà ông Phạm Văn Khải, cách nhà đồng chí Bí thư chi bộ chừng hơn 1km, vậy mà phải lội qua gần chục con suối cạn chảy ngang qua đường. Nếu tính chung cả xóm, số suối cạn lên tới con số trên 20. Vào những ngày nắng ráo, việc đi lại đã rất khó khăn, còn vào ngày mưa to thì từng đoạn, từng đoạn đều bị chia cắt bởi nước từ thượng nguồn chảy về rất nhanh khiến cả đoạn đường bị ngập sâu trong nước. Do địa hình xóm chủ yếu là đồi, núi nên việc đi lại của người dân rất bất tiện, luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Và trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là do người điều khiển xe tự ngã.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi ở gần ngay đầu xóm, ra đến trung tâm xã đã là 15km, những hộ cuối xóm thì phải đi xa hơn 7-8km nữa. Do khoảng cách từ xóm đến trung tâm xã xa, nên học sinh sau khi học xong lớp 4 ở phân trường tại xóm, đều xin học tại Trường Tiểu học và THCS Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) nằm giáp ranh với xóm. Tuy nhiên, từ năm học 2014-2015 này, Trường học của Xuân Lương không tiếp nhận học sinh lớp 5 nữa nên Trường Tiểu học của xã phải mở thêm lớp dành cho học sinh lớp 5 tại xóm. Người dân băn khoăn, lo lắng không biết từ năm học tới, khi lên lớp 6, các cháu có được học ở Xuân Lương nữa không? hay phải ra tận trung tâm xã để học. Nếu như vậy thì nhiều cháu sẽ phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có điều kiện cho con ở bán trú.

 

Anh Bàn Sinh Thắng tiếp lời: Để đến trung tâm xã, người dân Bãi Vàng có thể chọn một trong 2 cách. Hoặc là đi vòng đường Bắc Giang, qua xã Xuân Lương. Cách thứ 2 gần hơn một nửa nhưng hầu như không ai dám mạo hiểm, bởi nếu đi theo cách này thì họ phải vượt qua 2 “cổng trời”. Và để minh chứng cho điều này, trên đường trở về, anh Thắng đã đưa tôi đi theo lối này. Đó là một con đường mòn, nhiều đoạn phải đi qua thân núi với một bên là vực sâu. Hai “cổng trời” vừa cao, vừa dốc thẳng đứng, lại gồ ghề toàn đá chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy (nhưng phải là những “tay lái cứng”).

 

Bãi Vàng nằm giáp với các xóm: Mác, xã Liên Minh (Võ Nhai); Xoan, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) và xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến. Xóm có diện tích rất rộng, với 1.268ha đất tự nhiên, trong đó đất rừng chiếm 72%, với hơn 900ha; đất trồng chè 40ha và chỉ có 5ha đất trồng lúa, 5ha đất trồng màu. Xóm hiện có 154 hộ, với 8 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm 20%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Tày… Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng. Trung bình mỗi hộ trồng từ 5-7ha. Theo tính toán, sau khi trả gỗ thuê đất cho lâm trường và mọi chi phí khác, mỗi ha rừng trồng từ 6-7 năm mang lại nguồn thu nhập trên dưới 30 triệu đồng. Hiện, xóm còn 49 hộ nghèo. Bãi Vàng là xóm duy nhất của Hợp Tiến chưa có điện lưới Quốc gia nên một nửa số hộ trong xóm phải tự bỏ kinh phí để kéo nhờ điện từ Điện lực Bắc Giang, do đó chất lượng điện không đảm bảo. Số hộ còn lại phần không có điều kiện, phần do ở quá xa nên đến giờ vẫn phải gắn bó với đèn dầu. Điều này khiến người dân vốn đã vất vả về đường, lại càng khó vươn lên phát triển kinh tế vì thiếu điện.

 

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn mà người dân Bãi Vàng đã và đang phải trải qua, ông Bàn Phúc Tề, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Với chiều dài hơn 10km, Bãi Vàng là xóm dài nhất xã. Bởi thế, các hộ dân nơi đây sống rất rải rác có những chỗ, nhà nọ cách nhà kia tới hàng chục quả đồi. Vào mùa mưa, chuyện xóm bị cô lập cả tuần trời không phải là hiếm gặp. Hợp Tiến vừa được công nhận là xã đặc biệt khó khăn, năm 2014 được Nhà nước hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, xã đã quyết định đầu tư cho Bãi Vàng gần 700 triệu đồng xây 2 lớp học. Vậy nhưng, sự đầu tư này cũng chỉ như muối bỏ bể, bởi cái gì ở Bãi Vàng cũng thiếu, rất cần sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước.