Ở một trạm y tế xã vùng cao

10:59, 28/11/2014

Bình Long là xã vùng cao thuộc diện khó khăn đặc biệt của huyện Võ Nhai. Xã cách trung tâm huyện 25 km, giáp danh với 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Địa bàn rộng, dân số đông (gần 6 nghìn người) lại sống phân tán; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; khoảng cách đi lại từ các xóm đến Trạm Y tế (TYT) xa, đường vào các xóm vẫn còn khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

 Anh Vũ Văn Tuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Long cho biết: Với đặc điểm như vậy, nên người dân ở đây đi khám chữa bệnh (KCB) vẫn chọn TYT là điểm đến đầu tiên, chỉ trừ khi có bệnh thật hiểm nghèo mới phải ra bệnh viện tuyến huyện. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ y tế của Trạm phải cố gắng rất nhiều nhằm đáp ứng yêu cầu KCB ban đầu cho người dân với khả năng cao nhất. Anh Nguyễn Trọng Khôi, một người dân ở xóm Chợ cho biết: “Với người dân nghèo như chúng tôi thì chỉ khi nào bệnh quá hiểm nghèo không chữa được mới phải đi bệnh viện tuyến trên. Trong khi đó, từ đây ra huyện rất xa, nên khi có bệnh tật gì chúng tôi vẫn chọn TYT là nơi để mình đến khám bệnh . Tôi thấy KCB ở TYT xã cũng rất tốt, thái độ cán bộ y tế hòa nhã; thuốc men được cấp đầy đủ”. Điều kiện thuận lợi của Trạm là trong những năm qua, Trạm đã được Nhà nước đầu tư khá khang trang đủ phòng làm việc theo quy định. Đội ngũ CBYT được kiện toàn. Hiện, Trạm có 8 CBYT trong biên chế, trong đó có 1 bác sĩ; ngoài ra còn có 20 nhân viên y tế thôn bản, đa số đảm nhiệm cả nhiệm vụ của cộng tác viên dân số. Bên cạnh đó, Trạm cũng được quan tâm đầu tư  nhiều phương tiện hỗ trợ KCB tương đối hiện đại như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy châm cứu. Đội ngũ cán bộ y tê thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn đảm bảo sử dụng tốt các máy móc thiết bị và công tác KCB ban đầu cho nhân dân. Do vậy, Trạm đã thực hiện tốt công tác KCB cho nhân dân đạt kết quả cao; giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên. Bình quân mỗi người dân được KCB đạt 1,5 lần trong năm. 6 tháng đầu năm 2014 có 3.657 lượt người được khám bệnh.

 

Bên cạnh đó, TYT còn tham mưu cho chính quyền xã, tổ chức thực hiện tốt những nội dung chuyên môn thuộc các chương trình trọng điểm về y tế địa phương. Trong đó phải kể đến các Chương trình: y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế (bao gồm: phòng chống HIV/AIDS; dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; phòng chống lao và bệnh phổi; y tế học đường; chống thiếu hụt i-ốt; tiêm chủng mở rộng; phòng chống sốt rét)... Hầu hết các chỉ tiêu thuộc các chương trình y tế đều đạt kế hoạch được giao; không để xảy ra các dịch bệnh trên địa bàn; xử lý kịp thời các trường hợp đến khám tại Trạm ban đầu, không có sai sót về chuyên môn và bệnh nhân bị tử vong tại TYT. Đặc biệt, các chỉ tiêu về Chương trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em và Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình hàng năm đạt kết quả cao  năm. Riêng năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đạt 14,5 % (năm 2013 là 17,7%).  Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 5,9 % (kế hoạch với xã miền núi là dưới 15 %). Bước đầu đã triển khai Đề án làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện tại, tỷ lệ giới tính nam/nữ trong tổng số trẻ sinh là 45/49 (đạt 92%). Đặc biệt, Trạm đã chữa được một số bệnh vượt ngoài khả năng như: các trường hợp về tai nạn giao thông (ví dụ, xử lý ngay vết thương phần mạch máu, gãy tay chân, chấn thương sọ não phải chuyển lên tuyến trên); hoặc sơ, cấp cứu kịp thời các trường hợp ngạt của trẻ sơ sinh; nguy cơ tai biến mạch máu não do huyết áp… Với những cố gắng của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, nên từ năm 2012, TYT xã Bình Long là xã đầu tiên trong huyện đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Hiện, xã vẫn duy trì được các tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. 

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Để đạt kết quả trên, hàng năm, TYT xã Bình Long luôn chủ động xây dựng kế hoạch cho từng tháng, quý, năm; phân công cán bộ phụ trách, bám sát địa bàn; tham mưu và phối hợp tích cực với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền, triển khai thực hiện một số nội dung về các chương trình y tế đến người dân nhằm mang lại hiệu quả cao;  tư vấn cho người bệnh, nhất là những đối tượng thai nghén để sớm đưa ra phương án chữa bệnh an toàn. Tuy nhiên, theo anh Vũ Văn Tuyên, Trưởng TYT cho biết: Mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, song một số trang thiết bị cần thiết như: máy phát điện, trang thiết bị truyền thông; ghế cho bệnh nhân ngồi chờ KCB…vẫn còn thiếu. Trong chuyên môn, Trạm vẫn gặp phải những vướng mắc do một số thủ tục của Bảo hiểm y tế quá phức tạp, trong khi CBYT lại chưa bao giờ được tập huấn, hướng dẫn (ví dụ như lỗi do tên thuốc không đúng quy định) nên không biết được những sai sót. Chính lý do này, có khả năng 6 tháng đầu năm 2014, Trạm bị xuất toán khoảng 11 triệu đồng. Mặc dù Trạm đã được đầu tư máy móc hiện đại, có thể thực hiện được một số chuyên môn như: điện tim, siêu âm tại chỗ, song, giữa Sở Y tế và Bảo hiểm cũng chưa có sự thống nhất nên gây khó khăn cho hoạt động của Trạm (vì không được thanh toán) và gây thiệt thòi cho người dân (vì phải đi xa, lên tuyến trên mới được thanh toán). Đây là những vướng mắc cần được tháo gỡ để TYT xã Bình Long nói riêng và các TYT nói chung, nhất là các TYT ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn.