Sinh viên thất nghiệp và nỗi lo trả nợ ngân hàng

07:25, 24/11/2014

Chương trình tín dụng cho sinh viên trong những năm qua được xem như chiếc phao cứu cánh cho nhiều gia đình nghèo nuôi con ăn học, đặc biệt là những gia đình ở vùng nông thôn, miền núi. Nhờ chính sách này, nhiều sinh viên đã không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu tiền trang trải chi phí học tập. Tuy nhiên, không ít sinh viên sau khi ra trường vẫn thất nghiệp khiến việc trả nợ ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Tháng 9-2010, niềm vui đến với gia đình ông Lường Văn Xuân, dân tộc Tày, xóm Bàn Chương, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) khi cô con gái út là Lường Thị Kim Mau thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Nhưng đến kèm theo đó là nỗi lo về tài chính khi gia đình ông là hộ nghèo, không biết phải xoay xở thế nào với những chi phí học tập của con gái nơi thành phố. Những tưởng giấc mơ trở thành cô giáo của Mau sẽ phải gác lại thì gia đình em được Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện cho tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi dành cho sinh viên. Nhờ nguồn vốn này, Mau đã hoàn thành khóa học cao đẳng sư phạm tiểu học vào cuối năm 2012. Nhưng từ đó đến nay, em vẫn chưa xin được việc làm. Số tiền vay Ngân hàng sau 3 năm học là 16 triệu đồng đã đến hạn phải trả mà gia đình em vẫn chưa biết phải xoay xở thế nào. Hoàn cảnh của Mau rất khó khăn. Gia đình có 3 nhân khẩu, bố mẹ em năm nay đã ngoài 70 tuổi không còn khả năng lao động. Kinh tế chỉ trông vào 2 sào ruộng cấy lúa. Để lo cho Mau ăn học, ngoài khoản nợ ngân hàng 16 triệu đồng, gia đình em còn phải vay mượn thêm hàng chục triệu đồng của anh em, làng xóm. Những khoản nợ đó đang là gánh nặng đối với gia đình em. Tâm sự với chúng tôi, Lường Thị Kim Mau lo lắng: “Em cố gắng, nỗ lực học tập để có thể thoát khỏi cảnh nghèo nhưng sau mấy năm ăn học em để lại cho gia đình một khoản nợ ngân hàng khiến gia cảnh càng thêm khó khăn. Mong muốn lớn nhất của em lúc này là ngân hàng có thể gia hạn nợ cho gia đình đến khi em tìm được việc làm ổn định.”

 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Nguyễn Viết Tưởng, xóm Tân Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên từ cuối năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. Khoản nợ ngân hàng sau 3 năm ăn học là 24 triệu đồng đã quá hạn phải trả. Cán bộ ngân hàng nhiều lần gửi giấy báo, thậm chí đến tận gia đình để đốc thúc trả nợ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, Tưởng lại chưa xin được việc làm nên gia đình em buộc phải “khất” ngân hàng hết lần này đến lần khác. Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Viết Tưởng băn khoăn: “Ra trường gần 3 năm nay, em mang hồ sơ đi khắp nơi để xin việc nhưng chẳng nơi nào chịu nhận. Bây giờ em chỉ ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ. Nhà nghèo, nếu không xin được việc làm chẳng biết đến bao giờ em mới trả hết nợ ngân hàng…” Ông Nguyễn Viết Dững, bố của Tưởng cho biết: Nhờ được vay vốn ngân hàng mà gia đình tôi có thể lo cho con ăn học ra trường, nhưng nay hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, con tôi lại chưa xin được việc, tôi mong ngân hàng có thể gia hạn nợ thêm một thời gian nữa.

 

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp sinh viên hiện nay đã ra trường nhưng thất nghiệp chưa thể trả được nợ ngân hàng trên địa bàn huyện Võ Nhai. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, sau 5 năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân gần 30 tỷ đồng cho trên 2.500 lượt học sinh, sinh viên vay vốn. Tuy nhiên, hằng năm số lượng sinh viên ra trường không có việc làm dẫn đến việc chậm trả nợ ngân hàng ngày càng tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 21 trường hợp vay vốn học sinh, sinh viên đã quá hạn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những trường hợp vay vốn học sinh, sinh viên đều là những gia đình nghèo hoặc cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Việc trả nợ ngân hàng đều trông vào các sinh viên sau khi ra trường. Nhưng do việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp chưa hợp lý dẫn đến nhiều sinh viên ra trường khó khăn khi xin việc hoặc không thể xin được việc làm phù hợp.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Long Giáp, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: Theo quy định, 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học, sinh viên bắt đầu phải hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian đi học. Nếu quá thời hạn này, ngân hàng sẽ chuyển sang nợ quá hạn và tính lãi suất là 130% lãi suất khi cho vay (lãi suất cho vay ban đầu là 7,2%/năm), đồng thời phối hợp với địa phương có hướng xử lý.

 

Trước thực tế nói trên ở huyện vùng cao Võ Nhai, Ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện đề xuất: Việc các em sinh viên ra trường không xin được việc làm hầu hết là do ngành học của các em không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Vì vậy, để tránh tình trạng này, gia đình và các nhà trường cần phải làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp để giúp các em học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học sao cho phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội để khi ra trường các em có thể kiếm cho mình một việc làm ổn định. Mặt khác, về phía ngân hàng Chính sách Xã hội cũng nên xem xét việc gia hạn nợ đối với những sinh viên hiện nay đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm để giảm bớt gánh nặng cho các em và gia đình. Đây cũng chính là mong muốn của rất nhiều gia đình có con em đi học phải vay vốn ngân hàng khi trao đổi với chúng tôi.