Khi những giọt sương còn đọng trên những tán cây xanh mát, bà con các dân tộc ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt (Phú Bình) nô nức diện những bộ quần áo đẹp nhất đến Nhà văn hóa xóm dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếng cười, nói rộn ràng xen lẫn với những những lời hát Sọong Cô của người Sán Dìu.
Lời hát vang lên dập dìu, réo dắt, lúc ngân cao khi lại trầm lắng như thúc giục người dân nhanh chân đến với Ngày hội:
“Nhờ ơn Đảng và Nhà nước, có Cụ Hồ quan tâm
Làm con đường bê tông bao quanh đình làng
Trong làng ai cũng được đi lại
Đồng Quan bình an nhờ ơn Cụ Hồ”
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng ban công tác mặt trận xóm Đồng Quan nhớ lại: Chỉ cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm còn đến hơn 60%. Trong xóm có hơn 30% số gia đình vẫn còn phải sống trong những căn nhà tạm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong xóm chứ chưa thể bán ra ngoài. Từ năm 2005 đến nay, xóm Đồng Quan đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135 để xây dựng điểm trường mầm non, hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền giúp người dân xóa nhà dột nát… Người dân đã được tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc những giống lúa lai, ngô lai cho năng suất cao. Nhờ vậy, cuộc sống của nhân dân trong xóm ngày càng được cải thiện, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm nhận được sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Đặc biệt, những ngày này, người dân trong xóm đang rất vui mừng vì dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Đồng Quan đã hoàn thành. Với hơn 6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, lòng hồ đã được nạo vét để đủ khả năng cung cấp nước tưới cho trên 70ha đất nông nghiệp, gần 1km mương và 1,2 km đường bê tông đã được xây dựng.
Xóm Đồng Quan có 190 hộ, trong đó trên 90% là đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Bà con các dân tộc trong xóm Đồng Quan hiện nay đã chuyển từ cấy lúa 1 vụ/năm sang cấy 2 vụ/năm; các giống lúa lai (GS1, GS9), ngô lai (NK 4300, ĐK 888…) đã được bà con đưa vào sản xuất; người dân đã bắt đầu canh tác vụ đông chứ không còn bỏ hoang đất… Bà Lâm Thị Sinh nhẩm tính: Gia đình tôi có hơn 3 sào ruộng. Trước kia, tôi chỉ cấy 1 vụ nên không đủ thóc ăn trong một năm. Hiện nay, tôi đã chuyển sang trồng 2 vụ lúa cấy giống lúa lai GS9 cho năng suất trung bình 2 tạ/sào, đủ đáp ứng nhu cầu của gia đình.
Nhờ nâng cao hiệu suất sử dụng đất, diện tích gieo trồng hàng năm của xóm đã được mở rộng từ hơn 50ha/năm lên trên 120ha/năm. Qua đó tăng sản lượng lương thực bình quân từ khoảng 300 kg/người/năm (năm 2005) lên gần 500kg/người/năm (năm 2014). Năm 2014, sản lượng lương thực của cả xóm Đồng Quan dự ước đạt khoảng 40 tấn. Cùng với phát triển trồng trọt, bà con đã mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong xóm đã có trên 10 mô hình chăn nuôi lợn, gà theo quy mô gia trại. Từ một xóm đặc biệt khó khăn đến nay xóm đã có trên 30 hộ khá, giàu. Cả xóm đã có 20 chiếc máy cày, 4 xe ô tô con và 2 xe ô tô tải. Đa số các hộ dân trong xóm đều có nhà xây kiên cố, có xe máy, tivi… Năm 2014, cả xóm còn 45,3% hộ nghèo hộ nghèo (giảm 14,7% so với năm 2008).
Nhờ kinh tế phát triển, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhân dân trong xóm đã tích cực đóng góp xây dựng các công trình công cộng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong những năm qua, người dân trong xóm đã hiến hơn 7.000m2 đất, dỡ bỏ hàng rào, chặt cây cối, đóng góp ngày công xây dựng điểm trường mầm non, nhà văn hóa xóm, đường bê tông… Cả xóm hiện có trên 80% số hộ đạt gia đình văn hóa, Đồng Quan nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến, nhân dân trong xóm đều một lòng tin tưởng vào chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, vào năm 2012-2013, khi nhiều người dân ở các địa phương lân cận tin theo tà đạo thì người dân trong xóm Đồng Quan vẫn tuyên truyền cho nhau phải chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, một lòng đi theo Đảng. Toàn xóm không có người tin theo tà đạo…