Thăm làng Semaul ở La Bằng

22:00, 09/11/2014

Ngôi làng được xây dựng nhờ tình hữu nghị thắm thiết giữa hai tỉnh Kiêng Sang Buk (Hàn Quốc) và Thái Nguyên (Việt Nam) với tên gọi: Rừng Vần - Semaul (Làng mới) ở xã La Bằng, huyện Đại Từ. Đời sống người dân ở Làng mới ngày càng phát triển thịnh vượng, cùng với đó tình cảm giữa người dân hai tỉnh cũng ngày càng đong đầy.

Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa Rừng Vần - Semaul đúng ngày xã, xóm đang chuẩn bị khánh tiết để đón Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến tiếp xúc cử tri. Không khí tưng bừng trong tiếng nhạc và cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ khiến cho Khu nhà văn hóa càng trở nên ấn tượng trong mắt chúng tôi. Đó là một Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, rộng rãi, thoáng mát nằm giữa những tán cây keo lá tràm xanh biếc. Chúng tôi đã đi nhiều nơi, thăm quan nhiều nhà văn hóa nhưng quả thực chưa có nhà văn hóa xóm nào lại đẹp như Nhà văn hóa xóm Rừng Vần - Semaul. Trước những lời khen ngợi của chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã La Bằng không giấu niềm tự hào nói: Xã chúng tôi may mắn được tỉnh lựa chọn để thực hiện Dự án xây dựng Làng mới Semaul do tỉnh Kiêng Sang Buk tài trợ. Nhà văn hóa xóm Rừng Vần là một trong những công trình được tài trợ xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư lên tới 115.000USD, có tổng diện tích 330m2, gồm: Phòng họp, văn phòng, phòng trưng bày, phòng phát thanh, phòng thay đồ, phòng vệ sinh, nhà kho. Ngoài ra, tỉnh bạn còn tài trợ cho xóm cải tạo 4km đường điện; xây 0,5km kênh mương nội đồng; tài trợ 11 máy cày, 10 máy phun thuốc trừ sâu, 500 tấn xi măng để bê tông hóa 5km đường giao thông nông thôn... Không chỉ có xóm Rừng Vần được hưởng lợi từ Dự án mà Trạm Y tế xã, Trường Tiểu học... cũng được tỉnh bạn đầu tư xây dựng với tổng số tiền là 145.000 USD. Hằng năm, tỉnh bạn còn tổ chức các đoàn tình nguyện sang thăm giúp đỡ xã sửa chữa, sơn lại trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; khám, chữa bệnh cho nhân dân toàn xã; tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ... Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân các dân tộc xã La Bằng rất trân trọng và biết ơn sâu sắc tình cảm, tình đoàn kết giữa hai dân tộc, coi đó là nguồn động viên, động lực để cố gắng vươn lên phát triển quê hương La Bằng ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.

 

Lời đồng chí Chủ tịch UBND xã nói được chúng tôi kiểm chứng trước những gì mắt thấy, tai nghe tại Làng mới Rừng Vần - Semaul. Những con đường được bê tông phẳng phiu, sạch sẽ vào tận từng gia đình; nhà xây cao tầng, mái ngói nằm giữa những nương chè, vườn cây trái xum xuê, xanh ngát; trên những thửa ruộng tiếng nói, cười xen lẫn tiếng máy cày, máy bừa rộn rã... Chị Trần Thị Nhung, công dân của xóm Rừng Vần phấn khởi nói: Xóm  Rừng Vần chúng tôi đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh Kiêng Sang Buk. Đó là sự đổi mới tư duy trong canh tác, nhạy bén trong sản xuất, có ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đoàn kết trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn... Chúng tôi tự hào vì nhiều năm liền xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Điều đó là động lực để mỗi người dân chúng tôi không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng xóm, xã ngày càng phát triển.

 

Những lời chị Nhung bộc bạch cũng là lời chia sẻ của những người dân mà chúng tôi có dịp trò chuyện khi tới thăm xóm Rừng Vần. Khi lòng dân đã thông, đã định hướng được con đường họ sẽ đi, phương pháp họ sẽ làm trong phát triển kinh tế thì những khó khăn sẽ trở nên dễ dàng giải quyết, khắc phục. Những giống chè mới cho năng suất cao được đưa vào trồng thay thế giống chè cũ, năng suất đạt tới 115kg/ha/năm, Rừng Vần trở thành xóm có năng suất chè cao nhất xã; không chỉ đưa năng suất chè tăng cao, người dân xóm Rừng vần còn tích cực tham gia các lớp tập huấn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích chè là 60ha, trong đó có 10ha chè VietGAP) để dần xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao hiệu qủa kinh tế. Ngoài cây chè được coi là cây "mũi nhọn", người dân Rừng Vần còn chú trọng đến việc canh tác lúa trên diện tích 17ha, nhằm đảm bảo nguồn lương thực không chỉ cho con người mà còn phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân trong xóm đã đạt gần 33 - 34 triệu đồng/người/năm (cao nhất xã). Nếu như trước năm 2005, số hộ nghèo ở rừng Vần vẫn chiếm tới 30% số hộ trong xóm thì nay chỉ đếm trên đầu ngón tay (4 hộ).

 

Anh Nguyễn Ngọc Thép cho rằng : Để xóm Rừng Vần có được kết quả tích cực ngày hôm nay, nguyên nhân trước tiên phải kể đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh Kiêng Sang Buck. Sự giúp đỡ ở đây không phải chỉ là vấn đề vật chất, mà tỉnh bạn đã giúp người dân thay đổi được tư duy làm ăn, sản xuất lạc hậu; biết gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; biết giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp ; có ý thức tự lực vươn lên, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...

 

Chào tạm biệt Làng mới Rừng Vần - Semaul, trong mỗi chúng tôi đong đầy cảm xúc về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Hàn; về cuộc sống no ấm, yên vui ở nơi đây!