Thủ tục còn nhiều vướng mắc

15:44, 14/11/2014

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có không ít nạn nhân chất độc da cam đã làm hồ sơ nhiều năm nhưng chưa được hưởng chế độ của Nhà nước dành cho đối tượng này. Cá biệt, có trường hợp con đã hưởng từ lâu nhưng bố là người trực tiếp tham gia kháng chiến lại chưa được hưởng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc trong văn bản quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, sinh năm 1947, trú tại phố Giang Trung, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) là một trường hợp điển hình. Nhập ngũ năm 1970, thuộc Sư đoàn 325, ông Nam có hơn 5 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường B2, gồm các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An… Đây là một trong những khu vực đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học với mức độ dày đặc. Phục viên và trở về địa phương, ông Nam lập gia đình và sinh được 2 người con. Trong đó, người con út là chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1980, bị dị tật bẩm sinh ở tay và chân, sức khỏe yếu. Chị Hiền đã được kê khai và hưởng chế độ của nạn nhân chất độc da cam từ năm 2010 với mức hơn 600 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, ông Nam lại chưa được hưởng chế độ của nạn nhân da cam sau nhiều năm làm thủ tục. Ông cho biết: Các loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ của tôi đều đủ, gồm cả giấy phục viên và xác nhận của đơn vị. Tuy nhiên, khi giám định thì các bệnh tôi đang mắc phải lại không nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế.

 

Ở xã Phấn Mễ (Phú Lương) cũng có nhiều trường hợp đã làm hồ sơ nhưng chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Xuân Liên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã cho biết: Phấn Mễ hiện có 70 trường hợp tham gia kháng chiến ở vùng đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học nhưng đến nay chưa được hưởng chế độ. Trong đó, 9 trường hợp có con đã kê khai và được hưởng chế độ nhưng bố lại chưa được hưởng. Đáng buồn là 7 người con của ông đã mất, vĩnh viễn không được hưởng nữa. Ông Liên cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tham gia kháng chiến trong vùng có chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ là do vướng mắc về hồ sơ hoặc không đủ điều kiện khi giám định bệnh tật.

 

Thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho thấy, số lượng cựu chiến binh tham gia kháng chiến trong vùng có chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ là rất lớn. Chỉ tính trường hợp có con đã được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam nhưng bố lại chưa được là 131 người. Trong đó, 19 trường hợp đã qua đời. Mới đây nhất, ngày 17-10, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã có công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị xem xét giải quyết.

 

Tuy nhiên, theo trả lời của cơ quan chức năng, những trường hợp này rất khó được hưởng chế độ khi xét. Bà Nguyễn Thị Tân, Phó phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc xét hưởng chế độ cho nạn chất độc da cam ở mỗi giai đoạn lại có những quy định khác nhau. Trên cơ sở những văn bản hiện tại của Trung ương, phần nhiều hồ sơ đã gửi lên xem xét là không đủ điều kiện. Cụ thể, theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH năm 2013 của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội quy định hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là "một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học gồm: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học, được xác lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước…”. Tuy nhiên, thực tế những lý lịch trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm đơn vị đóng quân, chiến đấu. Do vậy, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không có căn cứ xác nhận thời gian, địa điểm tham gia hoạt động kháng chiến của đối tượng nên khó có cơ sở để giải quyết chế độ. Bên cạnh đó, theo phản ánh của những người đang làm hồ sơ, danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học quy định trong Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có nhiều điểm chưa hợp lý. Nhiều người bị mắc những bệnh hiểm nghèo, thậm chí cả ung thư nhưng lại không nằm trong danh mục quy định nên không được xét.

 

Thực tế cho thấy, phần lớn nạn nhân chất độc da cam đều đã tuổi cao, sức yếu, bởi vậy việc được xét công nhận và hưởng chính sách là vô cùng quan trọng. Mong muốn của tất cả nạn nhân là cơ quan chức năng sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc; vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định để họ sớm được thụ hưởng chính sách. Đó cũng là sự tri ân công lao của những người đã hy sinh tuổi xuân để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.