Từ chiến khu Việt Bắc, đội quân cách mạng đã trưởng thành

21:47, 09/11/2014

Cuối Thu, khi sương mù còn bảng lảng trên những vòm cây ven đường, chúng tôi hành trình lên Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng- nơi 70 năm trước, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944.

Trên dặm đường dài từ Thái Nguyên qua Phủ Thông (Bắc Kạn) lên T.P Cao Bằng đường liên tiếp ngoắc dốc cua tay áo, nhiều anh em trong đoàn, người nôn nao nhưng không vợi đi không khí phấn chấn khi được biết mình sắp được đặt chân đến mảnh đất cách đây 70 năm Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sỹ cách mạng đã ra đời. Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo cách thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình hơn 20 km. Qua UBND xã Tam Kim chừng 8km là tới điểm di tích. Đón chúng tôi, sau cái bắt tay thân mật, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - Bế Xuân Tiến hồ hởi: “Để thực hiện được chương trình truyền hình trực tiếp các anh các chị vất vả quá. Song rất mừng là hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đã được Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, xây dựng, tôn tạo. Vì vậy, khi tổ chức điểm cầu truyền hình trực tiếp tại đây thì đường đi vào điểm di tích, các công trình phụ trợ được đầu tư tôn tạo cũng thuận tiện hơn”.

 

Chuyến hành trình về Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo lần này do đích thân đồng chí Phan Hữu Minh, Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên, Tổng đạo diễn cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… lên khảo sát, bàn kế hoạch chi tiết để thực hiện cầu truyền hình “Từ rừng Trần Hưng Đạo đến Đình Làng Quặng - Những bước chân Phù Đổng” thực hiện vào ngày 5-12-2014. Trao đổi cùng chúng tôi, Tổng đạo diễn Phan Hữu Minh cho rằng: “Sẽ có nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi vì sao từ một đội quân chỉ có 34 chiến sỹ trong một thời gian ngắn QĐND Việt Nam lại lớn mạnh hệt như chú bé Thánh Gióng của làng Phù Đổng trong truyền thuyết xưa? Câu trả lời đúng nhất sẽ là: Vì đó là một đội quân từ nhân dân mà ra. Những điều kỳ diệu đều sinh ra từ trong gian khó. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sỹ đã ra đời. Và ngày 15-5-1944, tức là chưa đầy 150 ngày sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, tại Đình làng Quặng, thuộc xã Định Biên, huyện Định Hoá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ chủ trì lễ công bố hợp nhất các cánh quân gồm: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội Quốc gia Việt Nam (1946), đến năm 1950 được đổi tên là QĐND Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã lập nên bao chiến công hiển hách, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau xây dựng nên truyền thống vẻ vang Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng… Chương trình truyền hình trực tiếp lần này do Đài PT-TH Thái Nguyên phối hợp cùng Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Nguyên Bình với 2 điểm cầu, 1 tại Đình Làng Quặng, xã Định Biên, Định Hoá và điểm cầu thứ hai đặt tại Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, mong muốn của những người làm chương trình là khắc hoạ thật rõ nét hành trình những bước chân Phù Đổng của QĐND Việt Nam Anh hùng.

 

Trong chuyến khảo sát đặt điểm cầu truyền hình trực tiếp tại Cao Bằng mới thấy điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng quê cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là tại nơi đặt điểm cầu truyền hình trực tiếp chưa có hệ thống truyền dẫn bằng cáp quang, nên Đài PT-TH Thái Nguyên phải thuê xe phát sóng vệ tinh từ Hà Nội lên Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo để thực hiện truyền tín hiệu trực tiếp. Mặt khác đường vào Khu di tích hẹp, mặt bằng lắp đặt sân khấu nhỏ… vì vậy phương án phân luồng điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau khi tổ chức chương trình được lãnh đạo huyện Nguyên Bình và Đài bàn bạc rất cụ thể đến từng chi tiết. Về phía huyện Nguyên Bình cam kết hỗ trợ, giúp đỡ Đài trong việc giới thiệu nhân chứng lịch sử, khách mời để hoàn thiện phần kịch bản Cầu truyền hình, chuẩn bị mặt bằng để dựng sân khấu, có phương án hậu cần, chuẩn bị máy nổ dự phòng mất điện, tổ chức luyện tập các tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hoá địa phương để biểu diễn tại chương trình và lựa chọn 50 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để Đài PT-TH Thái Nguyên tặng quà. Về phía Đài PT-TH Thái Nguyên sẽ chủ động sớm hoàn thiện kịch bản chương trình, thiết kế sân khấu… Trong quá trình chuẩn bị, những bộ phận được giao nhiệm vụ của Đài và huyện Nguyên Bình sẽ thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin nhằm hoàn thiện nhanh nhất những điều kiện cần thiết để cho chương trình Cầu truyền hình diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo mục tiêu và ý nghĩa mà chương trình hướng tới.


 Trước khi rời Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi thắp nén hương thơm lên ban thờ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cầu cho Người an giấc ngàn thu. Bức phù điêu 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân rạng ngời dưới nắng Thu vàng. Chúng tôi hiểu rằng, cũng từ nơi đây trong lòng chiến khu Việt Bắc đội quân cách mạng đã trưởng thành vững mạnh, cùng cả dân tộc lập nên những chiến công hiển hách. Và Chương trình Cầu truyền hình “Từ rừng Trần Hưng Đạo đến Đình Làng Quặng - Những bước chân Phù Đổng” một lần nữa khắc hoạ thật rõ nét sự lớn mạnh của QĐND Việt Nam Anh hùng…