Vì sao một bộ phận người dân chưa được sử dụng

08:07, 13/11/2014

Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Sông Công hiện là đơn vị duy nhất chuyên sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thị xã. Với công suất luôn duy trì từ 12.000-15.000m3 /ngày đêm, đặc biệt khi Xí nghiệp nâng công suất lên 30.000m3/ngày đêm sẽ luôn đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch ổn định, lâu dài cho toàn bộ người dân trong toàn thị xã. Tuy nhiên, hiện có không ít người dân chưa được sử dụng nguồn nước sạch này.

Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Sông Công hiện phục vụ cung cấp nước sạch cho 8.500 khách hàng, trong đó có gần 4.000 khách hàng của huyện Phổ Yên, còn lại là các khách hàng ở thị xã. Mặc dù Xí nghiệp luôn duy trì hoạt động với công suất từ 12.000-15.000m3/ngày đêm song lượng nước thương phẩm hiện nay chỉ đạt 7.000m3/ngày đêm. Điều đó cho thấy, ngay cả khi lượng khách hàng tăng gấp hai lần hiện tại, Xí nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động, cung cấp nước ổn định. Đặc biệt, trong tháng 12 tới, khi Dự án nâng cấp cải tạo nhà máy nước Sông Công được hoàn thành, công suất sẽ tăng lên 30.000m3/ngày đêm, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 12.000 hộ dân trong toàn thị mà còn cung cấp cho các cụm khu công nghiệp trên địa bàn và các khu vực lân cận của huyện Phổ Yên, Phú Bình.

 

Tiềm năng là vậy song hiện nay, tỉ lệ người dân khu vực nội thị được cấp nước sạch chỉ đạt 78,5%, nếu tính chung trên địa bàn thị xã, số người dân được sử dụng nước sạch ước tính chỉ chiếm trên 1/3 tổng số dân. Tại sao lại có chuyện như vậy? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến một số tổ dân phố (TDP) của các phường trên địa bàn. Không ở đâu xa, ngay tại phường Lương Châu, mặc dù ở gần Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Sông Công song hơn 400 hộ dân của 5 tổ vẫn chưa được sử dụng nước máy. Theo ông Nguyễn Văn Bằng, chủ tịch UBND phường Lương Châu thì hiện tại, chỉ có hơn 200 hộ dân ở TDP 5,7,8 nằm dọc tuyến đường cách mạng Tháng 10, gần khu vực trung tâm là được sử dụng nước sạch. Ở 5 tổ còn lại, do phân bố không đồng đều và nằm tách biệt trên tuyến đường 262 nên việc lắp đặt nước lâu nay vẫn là bài toán nan giải. Anh Trịnh Đình Phú, tổ trưởng TDP số 1 chia sẻ: Từ những năm trước, Xí nghiệp cũng đã có thông báo hỗ trợ, đầu tư đường dẫn nước vào tổ, nhưng sau đó lại tạm ngưng. Từ đó đến nay, các hộ dân trong tổ chúng tôi và ở các TDP khác cũng đã đầu tư khoan giếng, lấy nước sử dụng. Nguồn nước tuy không đảm bảo sạch nhưng cũng không ô nhiễm nên người dân cũng dần quen sử dụng. Còn ông Trần Văn Tạo, tổ trưởng TDP Khuynh Thạch, phường Cải Đan có ý kiến: Trong tổng số hơn 100 hộ dân, hiện còn gần 20 hộ chưa được dùng nước máy. Chúng tôi mong xí nghiệp sớm giải quyết để các hộ dân trên được dùng nguồn nước đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

 

Rõ là thừa nhưng sao vẫn thiếu? Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Văn Trường, giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Sông Công và được biết, trong quá trình triển khai, xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, do thiếu kinh phí nên Xí nghiệp đã thông báo đến người dân tạm ngưng dự án đầu tư. Qua khảo sát, hầu hết ở những khu vực trên, dân cư sinh sống không tập trung, một số hộ vẫn thường sử dụng mạch nước ngầm, nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày nên nhu cầu sử dụng của người dân không đồng loạt, thống nhất. Mặc dù việc đảm bảo lợi ích của người dân luôn là tiêu chí hàng đầu, tuy nhiên nếu không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân, chúng tôi rất khó thực hiện.

 

Thời gian tới, để làm tốt hoạt động cung cấp nước sạch, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân, Xí nghiệp sẽ đẩy mạnh phối hợp với cơ sở, triển khai công tác tư vấn, tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng nước giếng khoan trong người dân. Đồng thời, củng cố, nâng cao nghiệp vụ cho công nhân viên nhằm mở rộng, phát triển khách hàng. Đặc biệt, thời gian tới, khi T.X Sông Công trở thành thành phố công nghiệp, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử sụng nước sinh hoạt của người dân thì việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong các cụm khu công nghiệp cũng đang được Xí nghiệp đẩy mạnh đầu tư nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

 

Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề này, cần phải có những kế hoạch cụ thể, không chỉ có sự đồng tình, ủng hộ, ý thức tự giác của người dân mà cần phải có những chính sách hỗ trợ riêng của các cấp chính quyền địa phương để nước sạch đến với người dân trong toàn thị xã.