Chững chạc, mạnh dạn và nhìn nhận vấn đề sắc sảo là điểm nổi bật ở cô học trò lớp 10 A1, Trường THPT Định Hóa.
Vinh dự được làm khách mời “đặc biệt” cùng ngồi với nhà văn Cao Duy Sơn (Hội Nhà văn Việt Nam) trong diễn đàn “Ngày hội sách” của Đại học Khoa học Thái Nguyên (tổ chức tháng 11-2014). Tại đây, Vũ Phương Thảo (sinh năm 1999) được chia sẻ với các nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học cùng đông đảo sinh viên về văn hóa đọc và sách đọc ngày nay. Nhận xét về sách, Thảo tỏ ra khá tinh tường: “Sách ngày nay quá phong phú, văn hóa đọc lại càng khác khi mà các phương tiện, thiết bị điện tử hỗ trợ ngày càng nhiều. Nhưng nếu không đọc sách truyền thống thì không thể nhận biết được cái hay và những giá trị sáng tác của người viết văn, viết sách. Đọc sách còn có thể nhận biết được phong cách của tác giả, ta có thể học được từ người viết về lối viết, đến những giá trị văn hóa, đạo đức... Trước thực tế sách phong phú như hiện nay, thì người đọc nên chọn sách để đọc...”.
Không phải ngẫu nhiên mà cô bé học trò lại có những nhận xét sắc sảo vậy. Bởi lẽ ngay từ khi học lớp 4, Thảo đã có tác phẩm đăng trên các báo Thiếu niên và Nhi đồng. Hiện tại, cô nữ sinh lớp 10 đã có trong tay gần 70 truyện ngắn và 3 truyện dài và có nhiều thành tích đáng nể: Năm 2011, em xuất sắc vượt qua hàng nghìn cây bút trẻ, dành giải Nhì cuộc thi Sáng tác Tomi Happy và hành trình vạn dặm dưới biển do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức; năm 2012, đoạt giải C Cây Bút tuổi hồng do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức và mới đây nhất - năm 2014, em đã vinh dự đoạt giải A cuộc thi này. Không những thế, cô học trò giỏi Văn lại là học sinh thuộc lớp chọn Toán. Phương Thảo đoạt giải Nhì cuộc thi Giải toán trên máy tính Casio; giải Khuyến khích toán cấp tỉnh trong năm cuối cấp 2. Điểm tổng kết trung bình cả năm học của Thảo là 9,4 (lớp 8) và 9,3 (lớp 9). Trong đó, điểm trung bình môn Toán đạt 9,6. Ngoài ra, năm lớp 7, Thảo 3 lần đoạt Huy chương Đồng giải bơi lội các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc. Hiện tại, cô gái đa tài còn biết chơi đàn Organ và Guitar. Cô gái bé nhỏ có thành tích đáng nể Vũ Phương Thảo sinh ra trong gia đình công chức bình dị, mẹ là giáo viên dạy Văn Trường THPT Định Hóa, bố làm công chức tại cơ quan huyện.
Trở lại với bài văn đạt điểm 10 khiến cộng đồng mạng “xôn xao” thời gian gần đây. Bài văn Thảo viết về người thầy giáo có tên Nguyễn Văn Tâm - từng dạy Toán ở Trường THCS Chợ Chu khiến nhiều người xúc động. Tình cảm chân thành, trong sáng của cô học trò cùng hình ảnh người thầy mẫu mực đã chạm đến trái tim độc giả. Phương Thảo cho biết: Viết về thầy Nguyễn Văn Tâm là bài văn thứ hai em đạt điểm 10. Trước đó, trong năm học lớp 8, em cũng đã đạt điểm tuyệt đối khi làm bài văn theo thể thơ cũng về chủ đề này. Thầy Nguyễn Văn Tâm là người đã dạy em môn Toán trong suốt 4 năm học THCS. Hình ảnh thầy Tâm đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, bóng đổ liêu xiêu, mái tóc bạc -người mà em kính trọng nhất trên đời và luôn khắc sâu trong tâm trí em. Thầy Phạm Vũ - người đã chấm điểm và mang bài văn của Thảo đến với độc giả nhận xét: “Đây là lần đầu tôi chấm 10 điểm cho học sinh ở môn Văn. Tôi khâm phục em vì còn ít tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, sâu sắc thể hiện cả con người và cách sống đều rất đẹp".
Trong bài văn ấy, Vũ Phương Thảo tạo ấn tượng với cộng đồng qua những dòng miêu tả về thầy giáo cũ: “Mùa đông lạnh thê lương. Khi mà gió vuốt những ngón tay trên mái nhà, tôi nhìn thấy thầy đạp xe đến trường. Những vòng quay xe đạp cứ thế quay đều, quay đều. Pê đan cũ lắm rồi, xích kêu lạch cạch tựa như đang đòi nghỉ ngơi. Thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Thảng qua, tôi thấy thầy khẽ run. Không chỉ mùa đông ấy, mà còn nhiều mùa đông sau này nữa. Tôi vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh đó...”. Sở dĩ, bài văn được cho là khác biệt với văn học nhà trường vì người viết đã phá bỏ kết cấu cũ thay vào đó là cách xây dựng như một cuốn phim quay chậm mở ra những kỷ niệm về tình thầy trò dưới mái trường nghèo khó.
Sau khi bài văn viết về người thầy nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều người, Thảo vỡ òa trong cảm xúc bất ngờ. Em tâm sự: “Em thấy vui và hạnh phúc khi được nhiều người quan tâm đến bài văn của mình. Bài viết này em dự định sẽ dành tặng thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11”.
Đoạt nhiều giải thưởng về văn học, được nhiều nhà văn, nhà thơ đánh giá cao nhưng Thảo lại khá khiêm tốn khi nhắc đến chuyện xuất bản sách: "Em tự nhận thấy những tác phẩm của mình còn thiếu sót, một số chi tiết không hay, cần chỉnh sửa. Em sẽ cố gắng hoàn thiện trong nhưng tác phẩm sau”. Về phía gia đình, cô Nguyễn Thị Mai Huyên - mẹ Phương Thảo cho biết: Bố mẹ không hề bắt ép con phải chọn lựa khối tự nhiên hay xã hội, luôn để Thảo phát triển tự nhiên. Trong cuộc sống, thay vì cách tạo áp lực, ép buộc con, bố mẹ luôn để em tự do trong suy nghĩ và hành động và chỉ tham gia uốn nắn chỉnh sửa cho con tốt hơn.
Mặc dù còn sớm để nói về tương lai, nhưng với niềm ham mê đọc sách, viết văn, phía trước đang rộng mở đón Vũ Phương Thảo tiếp tục khám phá và gặt hái những thành công mới.