Bản tin “đặc biệt” trên chuyến tàu ra Trường Sa

10:47, 30/12/2014

Tàu HQ571 là một trong ba chuyến tàu của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân mang thực phẩm, quà và đưa các đoàn khách ra Trường Sa. Trong những ngày lênh đênh trên biển, các phóng viên, biên tập viên đi trên tàu đã xây dựng những bản tin đặc biệt để phục vụ cán bộ, chiến sĩ…

Tâm sự của những chiến sĩ

 

6 giờ sáng, thành viên trên tàu HQ571 bắt đầu ngày mới bằng những thông tin trong chương trình phát thanh nội bộ do các phóng viên, biên tập viên trong đoàn tự biên tập và đọc. Mở đầu là kế hoạch trong ngày của tàu, cùng thông tin về hải trình của 2 đoàn đi Trường Sa tuyến phía Bắc và giữa. “Theo thông tin thời tiết chúng tôi mới nhận được, trong 10 ngày qua, gió mùa Đông bắc bao trùm toàn miền Bắc, gió trên biển mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8-9 gây ra sóng cao từ 3 đến 5m. Để đảm bảo an toàn cho cả đoàn, tàu HQ571 sẽ tiếp tục neo lại tại đảo Đá Tây trong ngày hôm nay. Thông tin từ 2 tuyến đi Trường Sa, tầu HQ996 đi tuyến phía Bắc đã cập được 2 đảo Sinh Tồn và Nam Yết, dự kiến hôm nay sẽ đến được đảo Sơn Ca. Tàu HQ936 đi tuyến giữa đã lên được đảo Đá Giữa và cũng đang neo đậu như tàu chúng ta…”.

 

Chương trình phát thanh được giao lưu với một vị khách đặc biệt, đó là Thiếu tá Trần Huy Nam, nguyên là Phó Chỉ huy Trưởng đảo Đá Tây A. Anh Nam năm nay 37 tuổi, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, từng có gần 10 năm đóng quân tại nhiều điểm đảo khác nhau thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đợt giao nhận quân lần này, anh được đơn vị cho nghỉ phép thăm nhà và ăn Tết Nguyên đán. Chia sẽ trên hệ thống truyền thanh, anh Nam bảo: “Tôi rất nóng lòng, muốn tàu cập bến thật nhanh để gặp mặt con trai. Vợ tôi sinh cháu cách đây 5 tháng nhưng vì nhiệm vụ nên tôi không thể về đỡ đần cho vợ con lúc đó được”.

 

Trong chương trình phát thanh ngày 27-12, mọi người trên tàu HQ571 được nghe tâm sự của một tân binh trẻ có cái tên rất đẹp - Thạch Y Miên. Miên năm nay 20 tuổi, quê ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), là tân binh người dân tộc Chăm duy nhất ra Trường Sa làm nhiệm vụ lần này. Miên chia sẻ: “Bố mẹ em rất mong có con gái nên khi chưa sinh đã chọn cái tên đó đặt cho em rồi”. Thạch Y Miên nhập ngũ tháng 9-2013, thuộc Tiểu đoàn huấn luyện tân binh 453, Lữ đoàn 957 (thuộc Vùng 4 Hải quân). Sau 3 tháng huấn luyện, Miên làm đơn tình nguyện xin ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Điều đặc biệt là tân binh trẻ này đã không thông báo tin này cho bố mẹ và gia đình biết. Miên bảo: “Em không nói cho gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng ra đảo sẽ vất vả, gian khổ. Hôm đơn vị làm lễ xuất quân, nhìn các bạn ai ai cũng có người ra tiễn, em cũng cảm thấy hơi buồn. Ra đến ngoài đó, em sẽ gọi điện về nhà. Em biết bố mẹ sẽ không trách mà còn tự hào vì con trai đã góp sức mình để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.

 

Chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện, tâm sự của những chiến sĩ đã và sẽ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Đại úy Nguyễn Văn Dương, nguyên là Chính trị viên của đảo chìm Đá Lát bảo: “Đối với lính đảo, có người thân ra thăm là niềm hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn đó. Mỗi dịp có tàu ra đảo, những chiến sĩ được gặp người thân được đơn vị quan tâm, động viên nhiều hơn để họ yên tâm làm nhiệm vụ”. Chuyện của chàng tân binh trẻ Lê Hữu Định khiến nhiều người cảm phục. Định là con một trong gia đình thuộc diện khá giả tại quận 10, thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn tình nguyện làm đơn xin ra đảo Trường Sa…

 

Những món quà Tết ý nghĩa

 

Trên chuyến tàu HQ571 ra đảo lần này, có những món quà thật đặc biệt gửi các chiến sĩ đang vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi đã rất xúc động khi nghe những dòng thư ngắn ngủi của cậu bé Lê Thành Phát, 9 tuổi gửi anh trai là Lê Văn Thịnh, đang đóng quân ở đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa. Bức thư có đoạn viết: “Anh trai yêu mến! Anh phải về sớm đó để đưa em đi học nhé. Em chúc anh ở đảo khỏe, vui và hạnh phúc. Em nhớ anh lắm! Ba mẹ đã gửi hành cho anh. Em chưa có quà gì cho anh chờ Tết, song khi anh về em sẽ tặng quà cho anh. Anh cũng sắp về rồi. Tới đây em tạm biệt anh. Em trai của anh: Lê Thành Phát”. Cùng với lá thư của em trai, bố mẹ của Lê Văn Thịnh còn gửi kèm thùng củ hành - đặc sản của vùng quê Ninh Thuận cho con trai cùng đồng đội ăn Tết và làm giống trồng thử nghiệm trên đảo. 

 

Hành trang của các tân binh mang lên điểm đảo chìm Đá Lát lại là những cây đàn ghi ta. Đó là món ăn tinh thần được các chiến sĩ Trường Sa rất yêu quý. Ngoài ra, còn những bưu phẩm được gói kín phía ngoài chỉ ghi “Đất liền gửi Trường Sa thân yêu”, cùng những lá thư, tấm thiệp ghi lời chúc thân thương đến các chiến sĩ. Những món quà tuy bình dị nhưng chứa đựng thật nhiều tình cảm của quê nhà gửi đến đảo xa.

 

Phóng viên Hoàng Nguyên, Báo Hậu Giang, thành viên biên tập chương trình bản tin đặc biệt chia sẻ: Chương trình phát thanh nội bộ ra đời dựa trên ý tưởng của ban lãnh đạo đoàn công tác. Mỗi chương trình có thời lượng từ 15 đến 20 phút, gồm 3 phần là thông tin lịch trình của đoàn, khách mời truyền thanh và hương vị Trường Sa. Mục đích của chúng tôi là tuyên truyền, chia sẻ cảm xúc của các thành viên và đặc biệt là truyền lửa cho các tân binh trẻ, giúp họ vững tin, sẽ chắc tay súng để bảo về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.