Biên chế và tiền lương

08:46, 10/12/2014

Tại phiên họp thường kỳ mới đây, Chính phủ đã thống nhất năm 2015 không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; đồng thời yêu cầu mỗi Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị cần rà soát tổng thể, xác định cụ thể từng vị trí việc làm để có kế hoạch tuyển chọn, sắp xếp cán bộ phù hợp. Cùng với quyết định không tăng biên chế, lộ trình tăng lương từ ngày 1-1-2015 cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.

* Theo nghiên cứu về cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2013 thì mức lương hiện nay mới chỉ bảo đảm 65 đến 75% nhu cầu tối thiểu của cán bộ, viên chức nhà nước. Một khi đời sống cán bộ công chức quá khó khăn, chuyện gây phiền hà, nhũng nhiễu dân cũng như doanh nghiệp dễ xảy ra.

 

* Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp là một trong những lý do khiến năng suất lao động của người Việt Nam ở mức thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/5 lao động Malaisia và 1/15 lao động Sinhgapore.

Đây là niềm vui rất lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, đặc biệt là đối tượng người về hưu và người có công. Mỗi khi có dịp bàn đến chuyện thu nhập, lương, thưởng là không khí sôi động hẳn lên, nhưng chẳng mấy khi người ta thấy được không khí đó khi bàn thảo về năng suất, chất lượng công việc.

 

Chúng ta đều hiểu, tăng lương phải trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng công việc và ngược lại. Chúng ta thường nói cán bộ công chức phải thực hiện nghiêm túc "tám giờ vàng ngọc", nhưng trên thực tế đã có bao nhiêu cơ quan, đơn vị, bao nhiêu cán bộ, công chức bảo đảm đúng "tám giờ vàng ngọc" ấy? Nếu tăng lương nhưng chất lượng công việc không tăng thì chắc chắn gánh nặng sẽ chất đầy lên ngân sách, trong khi ngân sách chủ yếu lại chính là tiền thuế của dân. Và bởi vậy, sẽ là bất công nếu tăng lương trong bối cảnh cán bộ công chức thực hiện chưa nghiêm túc "tám giờ vàng ngọc".

 

Diễn đàn tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta đang lãng phí một phần ngân sách do phải chi trả lương cho những công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" hay "có cũng như không". Đây là loại lãng phí ẩn chứa nhiều bất ổn. Ðơn cử, nếu hai người cùng làm một công việc, cùng hưởng mức lương như nhau mà người thì hết mình vì công việc, người được chăng hay chớ, đương nhiên có sự bất công. Khi đó, một người có thể rơi vào tình trạng thiếu động lực để tiếp tục hết mình vì công việc. Còn người kia, như càng thấy an tâm với vị trí "có cũng như không" của mình. Và điều băn khoăn lo lắng hơn, chính đội ngũ không muốn làm gì và không biết làm gì này lại thường là đầu mối của những phức tạp, "rối ren" trong cơ quan, thậm chí sinh ra mất đoàn kết, gây bè phái, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân cũng như cả đơn vị.

 

Lương thấp hay cao đều phải căn cứ vào "sức khỏe" của nền kinh tế cũng như khả năng gánh chịu của ngân sách. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong quản lý ngân sách nhà nước, thắt chặt kỷ luật tài chính, tiết kiệm chi công. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để mỗi cán bộ có thể đảm nhiệm tốt một vị trí và làm được nhiều công việc khác. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2014/NÐ-CP về kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2014-2016. Dự kiến với kế hoạch này, trong sáu năm, cả nước sẽ giảm khoảng 100.000 biên chế trong cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tinh giảm biên chế, nhưng vấn đề là làm sao để có thể cắt giảm đúng đối tượng. Việc sắp xếp lại lao động phù hợp theo hướng tinh giản biên chế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tăng năng suất lao động là chủ trương được đề ra và thực hiện từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả công tác này chưa cao do việc thực hiện chưa đồng bộ và thiếu quyết liệt. Thời gian qua, bộ máy hành chính vẫn có xu hướng phình to, "lạm phát" nhiều vị trí, chức danh. Nhiều đơn vị mặc dù luôn báo cáo thực hiện "quyết liệt" sắp xếp lại lao động, nhưng qua nhiều năm bộ máy vẫn chưa tinh giản; phần lớn là giảm biên chế những người thuộc diện về hưu, chưa đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng công việc. Theo thống kê, 5 năm qua, cả nước có 67.389 người nghỉ thuộc diện "tinh giản biên chế", nhưng có tới 61.018 người về hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Đồng thời, việc tuyển chọn lao động vào làm việc mang tính cơ học, bù đắp vào vị trí đã về hưu vẫn được nhiều đơn vị áp dụng.

 

Mặc dù chưa theo được đúng lộ trình, song tiền lương thì đã tăng. Còn việc không tăng thêm biên chế mà tập trung thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian từ nay đến 2016, thiết nghĩ không đơn thuần chỉ là thực hiện theo mệnh lệnh hành chính mà cần có giải pháp cụ thể từ khâu đào tạo, tuyển chọn và sử dụng lao động. Chủ trương tinh giản biên chế muốn thực hiện được cần quyết tâm cao, quyết đoán của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, nhằm đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng nhu cầu công tác. Việc xác định chính xác vị trí việc làm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị sẽ là biện pháp mang tính quyết định trong việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, thiết thực góp phần tiến tới lộ trình tăng lương, nâng cao thu nhập của người lao động.