Chất vấn và trả lời chất vấn

07:58, 10/12/2014

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong mỗi kỳ họp HĐND tỉnh là một trong những hoạt động được cử tri quan tâm nhiều nhất. Việc giám sát “lời hứa” của lãnh đạo các sở, ngành tại mỗi phiên chất vấn đều được thực hiện. Tuy chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại một số phiên họp chưa được thỏa đáng, song cũng đã gây áp lực không nhỏ lên “tư lệnh” các ngành.

Chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành hoạt động thường xuyên, là một trong những hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND tỉnh đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động này ngày càng được nâng cao về chất lượng nhờ sự nỗ lực từ hai phía: Người chất vấn đã đặt câu hỏi ngắn gọn, sát thực vào vấn đề cần làm rõ; người trả lời chất vấn cũng đã trả lời ngắn gọn, đi vào trọng tâm hơn. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri đã đánh giá được sự sâu sát, quán xuyến công việc của các vị lãnh đạo đứng đầu các ngành trong công tác quản lý, điều hành. Cử tri cũng đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo ngành trên cương vị người đứng đầu. Một vị lãnh đạo giỏi sẽ không bao giờ trả lời quanh co, lại càng không thể lạc vấn đề. Người làm việc không hiệu quả, chỉ lo cho tròn mình thì dù có lợi khẩu đến mấy cũng khó có thể làm vừa lòng đại biểu và cử tri.  

 

Theo dõi một số kỳ chất vấn gần đây, chúng ta có thể nhận thấy, các vị đại biểu HĐND chưa mạnh dạn sử dụng hết quyền lực của mình để bảo vệ quyền lợi của cử tri, những người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến đời sống của người dân; vấn đề nông sản được mùa, rớt giá; việc quá tải bệnh viên, sự phiền hà của các thủ tục hành chính... thường được đặt ra tại các phiên chất vấn dưới dạng câu hỏi đơn giản "để biết", ít khi trở thành vấn đề gây tranh cãi, truy đến tận cùng căn nguyên. Hạn chế này thực chất xuất phát một phần từ cách thức chất vấn, còn phần nhiều là do ý thức và khả năng của chính các vị đại biểu HĐND. Có rất nhiều câu hỏi đưa ra không đúng bản chất của hoạt động chất vấn, chất vấn chỉ để gọi là có, gây mất thời gian, ví dụ như: Xin đồng chí cho biết hiệu quả của vấn đề A, kết quả vấn đề B... (những vấn đề đã được trình bày trong các văn bản báo cáo gửi các đại biểu). Có những chất vấn lại đề cập đến một chương trình được triển khai cụ thể tại một địa phương, không mang tính khái quát; lại có những chất vấn mà thực chất chỉ là xin kinh phí cho một chương trình, dự án nào đó...

 

Lựa chọn vấn đề để chất vấn là một kỹ năng, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và tâm huyết của các vị đại biểu HĐND. Các phiên chất vấn chỉ có thể đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cử tri khi nó đề cập đến bản chất những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề trọng tâm trong từng thời điểm như: Xóa đói giảm nghèo, kích cầu, chống tham nhũng, cải cách hành chính... Và quan trọng nhất, HĐND phải biến các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường thành các cuộc đối thoại trực tiếp, tranh luận về chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, từ đó quy rõ được trách nhiệm lên người trả lời chất vấn thì các phiên chất vấn tại nghị trường mới có được sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả.

 

Hiện nay việc theo đến cùng kết quả chất vấn vẫn chưa thật triệt để. Mong muốn của cử tri cũng như mong muốn của đại biểu là phải chất vấn thấu đáo các vấn đề "nóng" đang đặt ra từ thực tiễn. Để đáp ứng được yêu cầu giám sát ngày càng cao, cử tri mong muốn HĐND tỉnh nghiên cứu, tăng thời gian chất vấn cũng như số lượng "tư lệnh" các ngành đăng đàn trả lời chất vấn. Và sau mỗi phiên chất vấn thì các ban của HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND cần tiếp tục giám sát chặt chẽ "hậu" chất vấn xem những vấn đề được đặt ra, những giải pháp được đề cập, những lời hứa có chuyển biến thực sự không; nếu không chuyển biến thì tùy theo từng vấn đề cũng cần phải xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm túc.

 

Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng trong năm của HĐND tỉnh khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 8-12. Kỳ họp sẽ bàn thảo và thông qua nhiều vấn đề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt là thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Các vị đại biểu HĐND là người được ủy quyền, còn cử tri là chủ nhân đích thực của quyền lực. Chúng ta kỳ vọng, phiên chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ đạt hiệu quả hơn, các vị đại biểu HĐND sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri, xứng đáng với niềm tin của các cử tri đã dành cho./.

 

Cần phải hiểu sâu sa bản chất của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND không phải là chỉ hỏi cho biết thông tin, cũng không phải để giải đáp thắc mắc. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần dân chủ, xác định tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để xác định trách nhiệm cá nhân và thúc đẩy phát triển chứ không phải kìm hãm. Chất vấn không phải là để "bới lông tìm vết". Chất vấn và trả lời chất vấn là để nhận diện rõ thực trạng, tìm ra giải pháp, làm rõ trách nhiệm để khắc phục vấn đề được đưa ra chất vấn. Đôi khi, chất vấn còn là để hỗ trợ nhau, tìm ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.