Chạy đua với nước dâng, khẩn trương khoan, hút nước cứu người bị nạn

18:14, 17/12/2014

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình hình hiện nay rất cấp bách do nước bên trong đường hầm ngày càng dâng lên, đã lên đến hơn 1m.

"Nước dâng cao, tình hình hết sức cấp bách", đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sau khi khảo sát tình hình tại hiện trường sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào chiều 17/12.

 

Qua đường ống nhỏ được xuyên thông từ tối qua, lực lượng cứu hộ vẫn duy trì việc tiếp tế nước, sữa, thức ăn nhẹ cho 12 nạn nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm thủy điện. Đến thời điểm này, việc liên lạc giữa các nạn nhân với bên ngoài vẫn qua đường ống nhỏ nên rất khó khăn, thiết bị liên lạc chuyên dụng của quân đội vẫn chưa có cách nào đưa vào.

 

Ngoài việc bơm nước và khoan đào trực tiếp tại địa điểm bị sập, chiều nay, một tốp cứu hộ cũng đã tiến hành khoan ở đầu đường hầm thủy điện bên kia với mục đích đưa đường ống vào hút nước ra ngoài. Đây là đoạn còn lại của đường hầm dẫn nước thủy điện chưa được thông, với chiều dài còn lại khoảng 100m.

 

Trong khi đó, trên ngọn đồi bên trên đường hầm bị sập có 2 hố sâu nằm cách nhau khoảng 9m. Nếu trời mưa lớn, 2 hố sâu này sẽ là nơi có nguy cơ gây nhiều nguy hiểm cho đường hầm nên đơn vị thi công đã tiến hành cho phủ bạt và rào chắn, cắm biển báo trong khu vực.

 

 

Có mặt tại hiện trường vào chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã đình chỉ thi công đối với công trình thủy điện này, đến khi nào cả 2 Bộ Công thương và Xây dựng đồng ý thì mới được thi công trở lại. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trung tâm cấp cứu mỏ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã có mặt tại hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ. Tất cả các lực lượng phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ huy thống nhất của lực lượng do tỉnh đã thành lập.

 

Bàn về kế hoạch cứu hộ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình hình hiện nay rất cấp bách do nước bên trong đường hầm ngày càng dâng lên, đã lên đến hơn 1m. Theo đó, lực lượng chức năng phải tính đến 3 phương án triển khai từ 3 hướng, đó là 2 hướng ở hai đầu đường hầm và một hướng từ bên trên đỉnh đồi xuống. Riêng phương án khoan từ trên xuống sẽ áp dụng phương pháp khoan cột nhồi.

 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải rút cho bằng được lượng nước từ bên trong đường hầm - nơi các nạn nhân bị kẹt ra ngoài, song song với đó là khẩn trương tiến hành đào hầm, lắp ống sắt có đường kính lớn để các nạn nhân thoát ra ngoài. Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng, người phụ trách chính nhóm đào đường hầm cho rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể đào thông qua được lớp đất đá dày đến 35m. Sớm nhất cũng phải 2 ngày việc này mới tiến hành xong.

 

Hiện, lực lượng công binh của Quân khu 7 đang phối hợp công ty Nhôm Lâm Đồng để triển khai phương án đào hầm. Công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn đang tích cực triển khai./.