Chợ tạm - nhiều nỗi lo

15:01, 06/12/2014

Từ năm 2011 đến nay, thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển hệ thống chợ, T.P Thái Nguyên đã có một số chợ  được đầu tư nâng cấp, cải tạo khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn những khu chợ tạm với cơ sở vật chất xuống cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.

Nhếch nhác, xập xệ nhưng có bày bán đủ các loại mặt hàng, từ lương thực thực phẩm, cho đến hàng tạp hóa, quần áo, giày dép, mũ nón, hoa quả, thịt, hải sản… là cảm nhận của chúng tôi khi bước chân vào chợ Gia Sàng, phường Gia Sàng. Lối đi giữa các gian hàng chật chội và tối tăm. Khung cảnh chợ vắng vẻ, đìu hiu, người bán đông hơn người mua. Chị Trương Thị Thúy, thành viên Ban quản lý chợ, cũng là chủ một cửa hàng khô cho biết: Chợ Gia Sàng hiện có 100 hộ đang kinh doanh buôn bán. 2 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của chợ rất ế ẩm, chúng tôi buôn bán cả tháng may ra cũng chỉ thu được 1 triệu đồng. Nhiều hộ kinh doanh lâu năm cũng đã phải bỏ nghề đi kiếm việc khác. Cơ sở vật chất xuống cấp khiến người mua cũng cảm thấy ngại khi vào chợ.

 

Tạm bợ, vá víu, mất vệ sinh cũng là tình trạng tương tự ở chợ Ga, phường Quang Trung. Ở khu chợ này cũng không có bãi gửi xe, không có nhà vệ sinh, không có điểm đổ rác cố định. Hệ thống cống rãnh, nước thải, nước sinh hoạt thiếu. Các hàng bán đồ chín, đồ sống để lẫn lộn, cộng với bụi đường gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chiều muộn, người bán rau, cá, thịt đem hàng ra ven đường ngồi bán, gây cảnh tượng nhốn nháo, trong khi đó đoạn đường này khá chật chội, mật độ phương tiện lưu thông lớn. Chị Nguyễn Thị Nhung, một hô dân sống ở phường Quang Trung nói: Hằng ngày đi qua tuyến đường qua chợ Ga, tôi thấy hàng hóa bày bán khắp cả vỉa hè, lòng đường, nhất là vào giờ tan tầm và mỗi khi có tàu chạy qua, gây nên tình trạng hỗn loạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

 

Ngoài chợ Gia Sàng, chợ Ga, thành phố còn có những khu chợ tạm xập xệ khác, gây mất mỹ quan đô thị như: Khu chợ tạm Dốc Hanh, phường Trung Thành, chợ Bờ Hồ, phường Tân Lập, chợ Khu Nam, phường Hương Sơn, chợ Thịnh Đán… Được biết, thực hiện Đề án Chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển hệ thống chợ T.P Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, thành phố phấn đấu xây dựng phát triển hệ thống chợ đến năm 2015 đạt tổng diện tích 220.706m2, 100% các chợ trên địa bàn được đầu tư xây dựng, cải tạo. Hiện nay, có 8 chợ đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp quản lý chợ, còn 16 chợ ở các xã, phường chưa chuyển đổi.

 

Đồng chí Tô Hạ Sỹ, Chủ tịch UBND phường Quang Trung biết: Trên địa bàn phường hiện có 3 chợ là chợ Nam Đại học Sư phạm, chợ Đồng Quang và chợ Ga. Đối với chợ Đồng Quang và chợ Nam Đại học Sư phạm, chính quyền địa phương đã phối hợp với các chủ đầu tư làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Vì thế, các hộ kinh doanh đã đồng thuận chuyển sang khu vực chợ tạm để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và không có khiếu kiện gì. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, chủ đầu tư sẽ đứng ra quản lý chợ và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các chủ dự án cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng chợ. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển thương mại Thái Nguyên cho biết: Năm 2008, Công ty chúng tôi được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư khai thác dự án chợ Đán, phường Thịnh Đán. Chúng tôi đã thực hiện các bước như: Lập cam kết bảo vệ môi trường, tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân và phối hợp giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến năm 2011, doanh nghiệp nhận được thông tin khu vực chợ Đán nằm trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Thịnh Đán - Thành phố Thái Nguyên, đã được UBND tình phê duyệt tại Quyết định số 1317/QĐ-UBND ngày 27-5-2011. Sau đó, UBND thành phố đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng dự án và phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của thành phố lựa chọn địa điểm mới để xây dựng chợ. Doanh nghiệp cũng đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát một số địa điểm tại phường Thịnh Đán nhưng không tìm được vị trí phù hợp để xây dựng chợ. Vì vậy, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, UBND thành phố giải quyết cho doanh nghiệp số tiền đã đầu tư vào dự án xây dựng chợ Đán.

 

Còn ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Quang, chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng chợ Ga, phường Quang Trung cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Dự án, người dân cũng đã có sự đồng thuận cao trong việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ mới thay thế chợ cũ đã bị xuống cấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là chưa tìm được vị trí chợ tạm phù hợp để bà con di chuyển. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp cùng vào cuộc tích cực hơn nữa, tìm ra vị trí chợ tạm phù hợp để người dân kinh doanh, buôn bán.

 

Một điều dễ dàng nhận thấy, việc đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung thường gặp những khó khăn, vướng mắc do chưa tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và các hộ kinh doanh. Vì thế, dẫn đến việc người dân phản đối quyết liệt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công chợ và gây tâm lý “ngại” cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư xây dựng chợ. Vì vậy, để các chợ sớm được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, các cấp chính quyền cần tích cực phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng chợ; đồng thời, tập trung đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành các chợ theo đúng tiến độ đã cam kết, tránh gây tâm lý bức xúc cho người dân. Ngoài ra, thành phố cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự đô thị, xử lý dứt điểm các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị tại các khu chợ tạm.