Chung tay lo nhà ở cho công nhân

09:27, 09/12/2014

Hiện có khoảng 30 nghìn lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và dự kiến đến tháng 5-2015, lượng lao động mà Công ty này tuyển dụng sẽ là 58 nghìn người. Cũng trong năm 2015, nhiều công ty tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, Yên Bình đi vào sản xuất và có nhu cầu tuyển dụng lao động. Vậy làm thế nào để lo chỗ ở cho công nhân?

Người lao động thiếu chỗ ở

 

Công ty SEVT đầu tư xây dựng Nhà máy điện tử số 1 tại Khu công nghiệp Yên Bình 1 thuộc địa bàn huyện Phổ Yên với số vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Nhà máy số 1 bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 3-2014 với 7,7 nghìn lao động và đến thời điểm này, Nhà máy đã đạt công suất 8 triệu sản phẩm/tháng với khoảng 30 nghìn lao động. Hiện nay, Công ty tiếp tục xây dựng Nhà máy điện tử số 2 ngay cạnh Nhà máy điện tử số 1 với số vốn khoảng 3 tỷ USD trên diện tích 71,3ha. Theo dự tính, năng lực sản xuất của Nhà máy số 2 sẽ đạt từ 10 triệu sản phẩm/tháng trở lên và cần tuyển tới 30 nghìn lao động. Ông Yoo Young Bok, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên chia sẻ: Với tốc độ tuyển dụng trung bình 1 nghìn đến 1,5 nghìn lao động/tháng thì một trong những vấn đề Công ty SEVT đặc biệt quan tâm là chăm lo nhà ở cho công nhân.

 

Thực tế ngay từ khi xây dựng Nhà máy điện tử số 1, thông qua những nỗ lực của tỉnh, Công ty SEVT đã được Chính phủ đồng ý cho áp dụng cơ chế đặc thù để có thể xây dựng 9 toà nhà tập thể cho người lao động. Tuy nhiên, mỗi toà nhà này chỉ giải quyết chỗ ở cho trên 700 lao động, như vậy, trong khoảng 30 nghìn lao động làm việc, hiện công ty chỉ giải quyết được cho khoảng trên 6 nghìn lao động. Số lao động còn lại vẫn phải tự tìm chỗ ở hoặc đi lại thông qua những tuyến xe hỗ trợ của công ty.

 

Hiện nay, Công ty SEVT đang bố trí từ 120 đến 150 xe ô tô 45 đến 50 chỗ chuyên chở người lao động theo các tuyến: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Đi làm bằng phương tiện này, khoảng 7 nghìn lao động cũng bớt đi nỗi lo nhà ở gần Nhà máy, nhưng đi lại liên tục một quãng đường xa, mất nhiều thời gian cũng khiến không ít lao động cảm thấy mệt mỏi.

 

Dự kiến, đến tháng 5-2014, Công ty SEVT sẽ có khoảng 58 nghìn lao động, gần gấp 2 lần số lao động hiện nay. Bên cạnh SEVT, năm 2015, các công ty Samsung Electro-Mechanics và Hansol Technics Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Yên Bình 1 và nhiều công ty tại Khu công nghiệp Điềm Thụy sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động.

 

Thực trạng nhà trọ tự phát

 

Số lượng lao động quá lớn trong khi mức độ đáp ứng chỗ ở tại Nhà máy có hạn, người lao động đã chọn cách thuê nhà ở xung quanh Nhà máy. Từ nhu cầu này, nhiều người dân tại các xã, thị trấn xung quanh Khu công nghiệp Yên Bình 1 là: xã Hồng Tiến, Đồng Tiến và thị trấn Bãi Bông… đã xây dựng nhà trọ cho thuê. Theo số liệu thống kê của huyện Phổ Yên, trên địa bàn huyện có khoảng 290 hộ kinh doanh nhà trọ với trên 2.500 phòng trọ, chủ yếu tập trung ở xung quanh Khu công nghiệp Yên Bình 1.

 

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, hầu hết phòng trọ là nhà cấp 4, có diện tích trung bình khoảng 12m2, chỉ đủ kê giường, tủ, không đủ không gian sinh hoạt. Các khu nhà trọ xây dựng tự phát, manh mún, mất mỹ quan, nhiều khu trọ xây dựng tiết kiệm đất nên lối đi nhỏ hẹp, thiếu chỗ phơi quần áo, để xe máy, xe đạp… trong khi giá thuê trọ lại khá cao, trung bình từ 700 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/phòng. Chị Lê Thị Phượng, quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, là công nhân Nhà máy điện tử Samsung, đang trọ tại khối Đồng Tâm, thị trấn Bãi Bông cho biết: Vì Công ty không có chỗ ở nên tôi phải thuê trọ tại nhà dân với giá 700 nghìn đồng/tháng. Phòng trọ của tôi chỉ khoảng 10m2, mấy tháng hè vừa qua rất nóng nực và bí bách.

 

Ngoài ra, các phòng trọ người dân xây dựng tự phát cũng không đảm bảo quy định về an toàn cháy nổ, nguy cơ mất an ninh trật tự cao. Trung tá Lê Hải Dương, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Phổ Yên cho biết: Hầu hết các nhà trọ do người dân xây dựng đều không có hệ thống phòng chống cháy nổ; nhiều nhà trọ xây dựng có địa thế hẹp, khó thoát hiểm. Hệ thống điện tại những phòng trọ này cũng được thiết kế không theo quy chuẩn nên dễ gây chập, cháy.

 

Cần sự chung tay

 

Trước yêu cầu bức thiết về nhà ở công nhân, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh, chính quyền địa phương đã phối hợp với Samsung tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân theo quy hoạch của địa phương; tiến hành rà soát, thống kê số lượng phòng trọ có thể sử dụng cho công nhân Samsung thuê tại các địa phương gần nơi đơn vị đững chân như Phổ Yên, Phú Bình, thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên; từng bước nghiên cứu trình tỉnh thống nhất mức giá thuê nhà đối với người lao động; xây dựng quy định về tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho công nhân. Ngoài ra, tỉnh còn động viên, khuyến khích và tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư, khu dân cư tập trung ở các địa phương lân cận để kịp thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Tỉnh cũng đang có văn bản báo cáo xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tranh thủ nguồn vốn vay hỗ trợ từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng của Nhà nước để xây dựng nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, góp phần giải quyết một phần chỗ ở cho công nhân Samsung.

 

Trong kỳ họp HĐND tỉnh lần này, các đại biểu HĐND tỉnh cũng bàn thảo và thông qua tờ trình về Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thúc đẩy quy hoạch, bố trí quỹ đất và triển khai xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư và khu nhà ở công nhân trên địa bàn huyện Phổ Yên, Phú Bình, thị xã Sông Công. Với những nỗ lực này, tin rằng vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ từng bước được tháo gỡ.