Tháng 4-2013, Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) được xây dựng khang trang trên diện tích 700m2 là điều động viên rất lớn với bà Nguyễn Thị Nguyệt - một người cả đời làm việc thiện. Ở tuổi 64, người phụ nữ này tóc đã bạc, da đã mồi nhưng ngày càng phải lo toan nhiều hơn để kiếm tiền nuôi 8 đưa trẻ bị bỏ rơi ăn, học; chăm sóc một số cụ già bệnh tật không có nơi nương tựa và lo trả khoản lãi ngân hàng (khoảng 60 triệu đồng/tháng) khi vay gần 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội…
Tuổi thơ đầy khó nhọc
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1951, ở Hải Dương trong một gia đình có tới 6 anh em. Năm bà Nguyệt lên 11 tuổi, bố đẻ đột ngột qua đời nên gia cảnh đã thiếu thốn lại càng trở nên túng quẫn. Không tìm được kế sinh nhai tại quê nhà, mẹ bà đã dẫn đàn con lên Thái Nguyên khai hoang. Ngày đầu lên đất Đồng Hỷ, mấy mẹ con bà Nguyệt lam lũ đi làm thuê kiếm sống và ở nhờ một người dân địa phương. “Những đêm mưa gió, rét mướt, mấy mẹ con tôi phải nằm cạnh nhau cho bớt lạnh. Nhà thiếu gạo ăn, nên mỗi bữa cơm, mẹ con phải chia nhau từng bát. Mẹ tôi thường nhịn ăn dành cơm cho con cái”. Đôi mắt bà Nguyệt đỏ hoe khi nghĩ về tuổi thơ của mình.
Bà Nguyệt nhỏ nhắn nhưng là người con gái sắc sảo nên chưa đầy 20 tuổi đã biết đi buôn bán khắp nơi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhờ đó, mà các em của bà được ăn học nên người, mẹ bà cũng phần nào vơi gánh nặng của gia đình. Mải mê làm ăn, lo toan cho cả nhà, rồi tuổi xuân của bà Nguyệt trôi qua lúc nào không hay. Nỗi đau mất bố dần nguôi ngoai theo năm tháng thì bà Nguyệt và người thân trong gia đình lại nhận được tin anh trai cả hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, rồi người em trai sau bà đi bộ đội bị thương, bệnh tật rồi cũng mất. Gánh nặng cơm áo, lo toàn mọi việc của gia đình đều đổ dồn lên vai người phụ nữ này…
Những người thân không có huyết thống
Năm bà Nguyệt 21 tuổi, trong lần đi làm phát hiện có 1 đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi bên bờ suối, kiến đã bò lên kín người. Bà bế đứa bé về giao lại cho chính quyền nhưng sau đó chẳng ai nhận nuôi vì đứa trẻ chỉ nặng có 1,9kg, khó có cơ hội sống sót. Thương tình, bà Nguyệt mang đứa bé về nuôi. Chưa một lần nuôi con nhưng sự nâng niu, chăm sóc sớm hôm của bà đã giúp đứa trẻ đó lớn lên từng ngày. Liên tiếp các năm sau đó, bà Nguyệt nhận nuôi thêm 2 người con trai và 1 người con gái. Bà Nguyệt không chỉ nuôi nấng mà còn tạo mọi điều kiện cho 4 người con nuôi được học hành. Do vậy, giờ cả 4 người con nuôi của bà Nguyệt đều trưởng thành có công ăn việc làm, nơi ở ổn định (người con nuôi đầu tiên đang là sĩ quan quân đội). Dù biết nuôi được một đứa trẻ lớn khôn và trở thành người có ích là vô cùng vất vả nhưng khi biết tin có trẻ bị bỏ rơi, chưa ai nhận chăm nuôi là bà Nguyệt tìm đến làm thủ tục nhận nuôi dưỡng…
Vừa thấy bà Nguyệt về, 3 đứa trẻ ở Trung tâm ùa ra đòi bế, đứa hỏi chuyện tíu tít, đứa vuốt ve, âu yếm. “Tuy tôi không phải là người sinh ra chúng, nhưng tình cảm gắn bó mật thiết như người thân vậy. Đi làm xa lâu ngày không về thấy nhớ, chúng ốm đau mình lo lắng, thương xót” - Bà Nguyệt bộc bạch với chúng tôi. Trong căn phòng nhỏ nhưng ấm áp, sạch sẽ, 3 đứa trẻ bị bỏ rơi ngồi chăm chú xem phim hoạt hình, còn 5 cháu khác không có mặt tại Trung tâm vì đang đi học hoặc xin bà Nguyệt về thăm người quen. Cậu bé Nguyễn Xuân Thành năm nay 5 tuổi là đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương nhất. Bà Nguyệt kể: Mùa đông năm 2009, trời rét căm căm nhưng bé Thành bị bỏ rơi lại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ. Có người phao tin, mẹ bé bị nhiễm HIV nên chẳng ái dám nhận về nuôi. Biết tin, tôi tức tốc đến Bệnh viện làm thủ tục nhận cháu làm con nuôi. Đưa cháu về nhà, các thành viên trong gia đình tôi đều phản đối vì nghi cháu bé bị HIV. Tôi động viên: “Tao mát tay, cháu bé sẽ không nhiễm HIV đâu mà lo. Ngoài bé Thành, bà Nguyệt mới nhận nuôi thêm 2 trường hợp nữa bị người thân bỏ rơi và cũng có thông tin người sinh ra chúng bị nhiễm HIV. Để cả nhà yên tâm và có hướng chăm sóc phù hợp nên cứ 6 tháng, bà lại đưa 3 cháu bé này đi xét nghiệm HIV và thật may mắn là cả 3 cháu đều không nhiễm bệnh. Lúc có kết quả xét nghiệm cuối cùng, bà Nguyệt vui đến trào nước mắt vì cơ hội sống sót của những đứa con nuôi của bà đã rộng mở. “Nuôi 1 đứa trẻ đã vất vả nhưng nuôi 3 đứa trẻ đỏ hỏn cùng lúc thì bận bịu cả ngày lẫn đêm vì phải pha sữa, thay tã cho các bé. Nhất là khi trái nắng, trở trời, trẻ nhỏ khóc la…”- Chị Nguyễn Thị Hà là con nuôi của bà Nguyệt và cũng là một nhân viên đang phục vụ tại Trung tâm cho biết.
Mong muốn người có thu nhập nuôi người vô gia cư
Ban ngày bà Nguyệt phải bươn trải đi kiếm ăn, nên phải thuê thêm vài nhân viên để chăm sóc sức khoẻ, lo việc ăn cho 8 đứa trẻ và 10 cụ già đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt. Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động mới có duy nhất 1 cụ già có con đi công tác xa đóng đủ 3 triệu đồng phí phụng dưỡng/tháng để lo ăn uống hàng ngày và chữa bệnh. Còn lại những 9 cụ già khác bà Nguyệt phải bù chi phí hoặc chu cấp toàn phần. Mặc dù vậy, mỗi khi đọc báo, xem ti vi thấy có những trường không nơi tựa là bà Nguyệt lại động lòng trắc ẩn, muốn giúp đỡ.
Cả đời làm việc thiện nhưng đời tư của bà Nguyệt lại trải qua nhiều gian truân, thử thách. Ở tuổi 64 như người khác đã được nghỉ ngơi, sống vui vẻ bên con cháu nhưng bà Nguyệt luôn phải vật lộn ngoài thương trường để kiếm tiền lo cho những mảnh đời cơ nhỡ, éo le ở Trung tâm. Vốn liếng, lờ lãi bà Nguyệt tích cóp cả cuộc đời đều bỏ ra để đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo trợ Xã hội, chưa đủ, bà vay ngân hàng thêm gần 3 tỷ đồng. Vậy, đây là việc thiện hay kinh doanh? Câu hỏi này thật chẳng dễ trả lời vì đối với người có tư duy thực dụng sẽ cho rằng bà Nguyệt xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội để kinh doanh nhưng khi bình tâm suy nghĩ chắc hẳn mọi người sẽ có câu trả lời khác. Bởi một người phụ nữ từng trải, giỏi kinh doanh như bà Nguyễn Thị Nguyệt thì việc bỏ ra gần 30 tỷ đồng để xây Trung tâm Bảo trợ xã hội chắc hẳn không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Thời gian trước, tôi lâm trọng bệnh phải đưa về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Bác sĩ kết luận tôi bị xơ não chất trắng mà có thể nguyên nhân là do cuộc sống thiếu thốn trước đây, cộng thêm làm việc quá sức. Nằm ở bệnh viện gần nửa năm, tôi thấy mình khó lòng qua khỏi. Lúc đó tôi nghĩ, tiền bạc cuối cùng cũng chỉ là những vật ngoài thân. May mắn sao tôi phục hồi được nên quyết định xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội để khi mình mất đi vẫn có nguồn thu của những người có thu nhập để lo cho những người vô gia cư. Đó là ngôi nhà chung của những mảnh đời éo le chứ không phải tài sản của cá nhân tôi nữa…”. Bà Nguyệt tâm sự: Mục tiêu của Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt là nhận phụng dưỡng khoảng 200 cụ già mà vì lý do nào đó con cháu không chăm sóc được để thu phí phụng dưỡng (mức hiện tại là 3 triệu đồng/tháng). Nguồn phí này sẽ được dùng để duy trì hoạt động của Trung tâm và nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ già, em nhỏ không nơi nương tựa.
Mới đây, chúng tôi gọi điện hỏi thăm sức khoẻ, giọng bà Nguyệt yếu ớt, khản đặc và đầy tâm trạng: Nay tôi ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, căn bệnh xơ não có thể còn tái phát. Tôi chỉ lo sức khoẻ suy kiệt dần, đến lúc nào đó không còn sức để lao động kiếm tiền để lo các cụ già, em nhỏ đang ở Trung tâm”. Nghe đến đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và mong rằng nỗi lòng của bà Nguyệt sẽ được tất cả mọi người trong xã hội đồng cảm, chia sẻ để cùng đóng góp công sức, chung tay lo cho những mảnh đời bất hạnh...