Đoàn kết xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

10:22, 05/12/2014

Huyện Đại Từ có diện tích rộng (gần 58.000ha), có tới 30 xã, thị trấn; dân số đông (47.549 hộ dân), 8 dân tộc anh em cùng chung sống; tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trong huyện không đồng đều; kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa còn hạn chế; tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp… là những khó khăn trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH). Nhưng nhờ dám nhìn thẳng vào sự thật, thấy được những thuận lợi, khó khăn và tìm nguyên nhân để đưa ra những giải pháp khắc phục phù hợp… đã giúp huyện Đại Từ thu được những thành công đáng ghi nhận, tăng cả về số lượng và chất lượng qua các năm.

Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung có vị trí quan trọng trong việc xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Chính vì vậy, phong trào đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện, đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, Ban chỉ đạo các cấp đã hướng dẫn các địa phương tiến hành bình chọn và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” một cách công khai, dân chủ, tổ chức khen thưởng các “Gia đình văn hóa” tiêu biểu trong toàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng phong trào. Kết quả bình xét năm 2014, toàn huyện có 36.330/44.586 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt 81,5%, tăng  5,7% so với năm 2013. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng mô hình gia đình mới bình đẳng, ấm no và hạnh phúc.

 

Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Việc bình xét danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục dựa trên các tiêu chuẩn theo các thông tư, quy định hiện hành. Toàn huyện có 270/482 khu dân cư đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm 56,02%, tăng  9,92% so với năm 2013. Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, duy trì trật tự an toàn xã hội.

 

Bên cạnh đó, Cuộc vận động xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cũng đạt được những kết qủa tốt. Hiện nay, có 203/222 cơ quan, đơn vị đã được công nhận Cơ quan đạt chuẩn văn hóa, đạt 91,4%. Quá trình thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã củng cố và nâng cao tính kỷ cương, nề nếp nơi công sở, ý thức chấp hành kỷ luật công tác, cũng như xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc được chú trọng. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt phong trào này đã tạo động lực để mỗi cơ quan, đơn vị phấn đấu, nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Để đạt được những kết quả trên, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, từng bước nâng cấp, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân có nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, học tập là một trong những yếu tố quan trọng. Nên trong thời gian qua, huyện và các địa phương đã chú trọng đầu tư kinh phí, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động, kêu gọi nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, tập thể, cá nhân, chương trình, dự án để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Cụ thể: Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đã đầu tư mua 2 máy phát hình công suất 500W và 300W, 3 máy phát thanh với công suất phát từ 150W - 500W; Thư viện huyện với diện tích 300 m2, có hơn 7.000 bản sách, 5 đầu báo, tạp chí và 1 phòng truy cấp Internet công cộng; Nhà văn hóa huyện với hội trường có sức chứa 250 chỗ ngồi; Nhà thi đấu thể thao có diện tích  612 m2, 1 sân vận động có diện tích 39.088 m2. Tính đến thời điểm tháng 11-2014, toàn huyện có 13 xã có Nhà văn hoá xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nguồn kinh phí xây dựng do ngân sách chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện và các tổ chức hỗ trợ với kinh phí xây dựng từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng/1 nhà văn hóa; 30/30 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng và tủ sách pháp luật. 11 xã 135 được đầu từ xây dựng Tủ sách theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa. Toàn huyện xây dựng được 423/482 Nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đạt 88%; 100% xóm, tổ dân phố có cụm loa phát thanh; 550/482 xóm, tổ dân phố có cụm FM (vượt 1,4%); gần 100 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng với nhiều loại hình hoạt động phong phú như: bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, võ thuật, văn nghệ, thơ...

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Trong thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục tập trung phát triển sự nghiệp văn hóa và thông tin vững mạnh, làm nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn những tác động bất lợi do mặt trái của cơ chế thị trường, đảm bảo trật tự và sự bình an cho xã hội. Xây dựng các mô hình và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên lĩnh vực văn hóa và thông tin. Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa và thông tin. Trong đó, tập trung chú trọng đến phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở khu dân cư, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thấm sâu vào trong mỗi gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư…