Duy trì mức sinh thấp hợp lý để phát triển bền vững

16:36, 23/12/2014

Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước là chủ đề Tháng hành động Quốc gia về dân số năm nay. Theo đó, mục tiêu tổng quan là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các vùng miền để quy mô dân số sớm ổn định.

Cơ cấu dân số vàng

 

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) của cả nước đã đạt những kết quả đáng khích lệ: số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,67 con năm 2001 giảm xuống còn 2,09 con; tỷ suất sinh thô giảm dần từ 17,25%o năm 2006 xuống còn 16,03 phần nghìn năm 2013, bình quân mỗi năm giảm từ khoảng 0,15-0,2 phần nghìn; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 20,1% năm 2006 giảm còn 16,28% năm 2013. Tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ 12,17% năm 2005 xuống còn 10,95% năm 2013.

 

Cùng với mức sinh giảm nhanh, cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi nhanh chóng đã có tác động tích cực đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ nhóm dân số từ 0-9 tuổi giảm rõ rệt. Năm 1999, tỷ tlệ nhóm tuổi này là 19,5%, đến năm 2009 giảm xuống 14,8%. Đây là kết quả của công tác giảm sinh từ 1999 đến năm 2009. Kết quả này đã làm giảm áp lực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2009, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi chiếm 71,7%, trong khi tỷ trọng dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chỉ chiếm 28,3% đã làm cho cơ cấu dân số nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào là lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cũng như cả nước, kết quả công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những thành tựu quan trọng từ đó đạt được cơ cấu dân số vàng. Trong nhiều năm, mức sinh trên địa bàn giảm mạnh, tổng tỷ suất sinh năm 2013 là 2,11 con. Riêng năm 2014, một số chỉ tiêu kế hoạch giao của tỉnh đã đạt và vượt như: tổng số trẻ sinh trong 11 tháng là trên 18 nghìn trẻ giảm 349 trẻ so với cùng kỳ năm 2013; tỷ suất sinh thô giảm 1,16 phần nghìn so với năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh ở mức thấp so với trung bình toàn quốc và các tỉnh trong khu vực; tỷ số giới tính khi sinh là 111,3 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 3,3 điểm% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, cũng trong năm 2014, các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tập trung triển  khai và có hiệu quả rõ; vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng được cải thiện; các loại biện pháp tránh thai được cung cấp đến người dân thông qua 3 hình thức là miễn phí, tiếp thị xã hội và thị trường tự do.

 

Thách thức

 

Năm 2014 là năm thứ 9 Việt Nam duy trì mức sinh thay thế với tỷ lệ dưới 2,1 con/phụ nữ. Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên tỉnh ta vẫn còn những thách thức đặt ra như: Mức sinh đã giảm nhưng chưa ổn định, tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS - KHHGĐ làm ảnh hưởng đến phong trào; chất lượng dân số còn hạn chế; tỷ số giới tính khi sinh có biểu hiện mất cân bằng ở một số địa phương. Mục tiêu cụ thể của cả nước là giảm tổng tỷ suất sinh từ 2 con/phụ nữ năm 2010 xuống còn 1,9 con/phụ nữ vào năm 2015 và 1,8 con/phụ nữ vào năm 2020. Cùng với đó, ổn định tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% năm 2015 và giữ mức này đến năm 2020.

 

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Việc giảm tỷ suất sinh một phần sẽ làm ổn định tốc độ tăng dân số, mặt khác còn góp phần ổn định giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ đó không chỉ duy trì tốc độ phát triển nhanh mà còn bảo đảm duy trì bền vững với nền tảng cơ cấu dân số vàng. Ngoài ra, việc tập trung nâng cao chất lượng dân số sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi tỷ suất sinh được giữ mức hợp lý theo chiến lược quốc gia. Thái Nguyên cũng đang tích cực ổn định tỷ suất này để bảo đảm tốc độ tăng trưởng dân số gắn với giữ chất lượng dân số vàng cùng với cả nước. Để thực hiện được mục tiêu trên và các mục tiêu dân số khác thì cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện công tác DS - KHHGĐ; chú trọng công tác truyền thông, giáo dục với các nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách DS - KHHGĐ; cần quan tâm đầu tư nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương cùng với ngân sách Trung ương cho công tác DS - KHHGĐ.

 

Bà Thủy cũng cho rằng: Để thực hiện được mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, mỗi người cần chung tay nỗ lực hơn nữa nhằm tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Sự quan tâm, ủng hộ và sự vào cuộc của mọi tầng lớp trong xã hội bên cạnh những chính sách, chiến lược phù hợp với nhu cầu là điều không thể thiếu cho việc thực hiện thành công công tác DS - KHHGĐ hướng tới mục tiêu giữ vững, phát huy tốt cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đó chính là cái đích mà công tác DS - KHHGĐ luôn hướng tới và phấn đấu thực hiện.