Gặp người họa sĩ mù - Anh hùng Lê Duy Ứng

15:52, 21/12/2014

Câu chuyện đầy cảm động về cuộc đời binh nghiệp và quá trình sáng tác nghệ thuật một cách phi thường của ông, về những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu đã thực sự làm lay động tất cả những người có vinh dự được gặp và nghe ông kể chuyện. Ông là hoạ sĩ, Đại tá, thương binh 1/4, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng.

Chiều 20-12, hơn 30 cán bộ, giáo viên và 462 học sinh của Trường THCS Vạn Phái (Phổ Yên) cùng nhiều khách mời đã may mắn có dịp được họa sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng đến thăm Trường và chia sẻ những câu chuyện về chính cuộc đời ông – người hoạ sĩ đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu từ đôi mắt bị thương của mình ngay tại chiến trường. Mọi người ùa ra đón, ôm chầm lấy ông như chào đón một người thân thiết lâu ngày không gặp. Rồi tất cả lặng đi, những ánh mắt học trò chăm chú khi ông bắt đầu câu chuyện của mình bằng chất giọng Quảng Bình đầm ấm, truyền cảm.

 

Ông nhắc đến quê hương Quảng Bình của mình, nơi ông sinh ra và lớn lên tại một làng nhỏ ven bờ sông Nhật Lệ, nơi bị bom đạn của kẻ thù ngày đêm cày xới khiến bao người thân, đồng bào chết thảm trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Ông tự hào với quê hương mình, mảnh đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều văn sỹ nổi tiếng, có mẹ Suốt huyền thoại và đặc biệt là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà cả đời ông vô cùng kính phục. Với năng khiếu và niềm đam mê hội họa, học hết phổ thông, ông đi bộ hàng trăm ki lô mét ra Hà Nội để thi và đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật. Thời gian đó, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, nơi quân thù đang ngày đêm giày xéo, lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Lê Duy Ứng, chàng sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Ông đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng trị năm 1972, thời điểm cam go nhất… Câu chuyện mà ông chia sẻ như những thước phim lịch sử quay chậm, khiến những ai chưa từng phải trải qua chiến tranh cũng phần nào hình dung được mức độ ác liệt của nó, cảm phục và biết ơn những tấm gương chiến đấu dũng cảm.

 

Xen giữa những câu chuyện lịch sử của mình, Anh hùng Lê Duy Ứng - người hoạ sĩ mù mà đa tài thỉnh thoảng lại hát những bài ca cách mạng, thổi sáo và đọc những vần thơ do chính ông sáng tác. Ở tuổi 67 và bị thương tật tới 91%, chất giọng của ông vẫn khỏe khoắn, luôn thể hiện sự lạc quan với nụ cười rạng rỡ, hiền từ thường trực trên môi. Ông nêu những câu hỏi lịch sử, mỗi học sinh trả lời đúng lại được ông tặng những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do mình vẽ khi đã hỏng cả 2 mắt. Các em học sinh hào hứng lên nhận tranh từ tay ông và xúc động ôm lấy người Anh hùng.

 

Sân trường tiếp tục lặng đi, có người rưng rưng nước mắt khi Anh hùng Lê Duy Ứng kể lại hoàn cảnh lúc ông dùng chính máu từ đôi mắt bị thương của mình để vẽ chân dung Bác Hồ. Ngày 28-4-1975 (lúc đó ông thuộc biên chế một đơn vị của Quân đoàn 2, cánh quân được giao nhiệm vụ tiến vào giải phóng Sài Gòn), trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30km, ông bị trúng đạn pháo của địch và hỏng cả 2 mắt. Khi tỉnh dậy, bằng chút sức lực còn lại, ông lần mò lấy tờ giấy và dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương ở mắt của mình để vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Dưới bức chân dung, ông ghi đậm dòng chữ “Ánh sáng niềm tin/con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Trước khi tiếp tục bị ngất đi, ông gấp cẩn thận bức tranh rồi cho vào túi áo bên ngực trái của mình… Bức huyết họa nổi tiếng và vô cùng đặc biệt đó đã trở thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

 

Người Anh hùng ấy lại cười, nụ cười thể hiện tinh thần lạc quan đến mãnh liệt. Ông bảo, mình “cao số” nên còn sống được đến bây giờ, dù hỏng cả 2 mắt nhưng vẫn may mắn hơn biết bao đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường. Có lần, đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đưa vào nhà xác, lần khác ông bị chết lâm sàng, trong khi đồng đội chuẩn bị hạ huyệt thì lại tỉnh dậy. Giai đoạn đầu khi đã hỏng cả đôi mắt, sức khỏe suy giảm, ông cũng đôi lúc tỏ ra bi quan về tương lai. Nhưng với nghị lực sống phi thường và sự động viên của mọi người, ông tiếp tục sáng tác nghệ thuật với tất cả khả năng, tâm trí và tình cảm của mình. Không còn vẽ được, ông chuyển sang điêu khắc, tác phẩm điêu khắc đầu tay của ông là bức tượng Bác Hồ cùng dòng thơ: “Hỏng mắt con tạc tượng Người/Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”. Thời gian đó, ông cảm thấy vô cùng vinh dự và may mắn khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và có những lời động viên quý giá. Từ đó, ông càng hăng say sáng tác, vẽ tranh, tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tranh cổ động.

 

Dù đôi mắt không còn nhìn được nhưng những bức tranh ông vẽ đều được đánh giá cao, bởi đó là những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng cả trái tim, tình cảm thiêng liêng của người chiến sĩ cách mạng. Đến năm 1982, ông được mổ ghép mắt thành công và sau đó tiếp tục trở lại phục vụ trong Quân đội. Tuy nhiên, đôi mắt được ghép ngày càng mờ dần (dù sau đó được phẫu thuật ghép lại một lần nữa) và nhiều năm gần đây, ông không còn nhìn được nữa. Ông tiếp tục sáng tác nghệ thuật, say sưa tạc tượng, vẽ tranh chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dành thời gian đến nhiều nơi để nói chuyện lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc và bồi dưỡng tinh thần lạc quan, nghị lực sống cho thế hệ trẻ. Ông bảo, “dù đôi mắt không nhìn được nhưng đối với tôi, niềm tin, ánh sáng tâm hồn không bao giờ tắt”.

 

…Một chiếc bảng được mang lên sân khấu, người hoạ sĩ mù dùng đôi tay của mình lần lần để vẽ bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên nền cờ đỏ sao vàng. Tất cả mọi người chăm chú dõi theo, rồi vỡ òa trong niềm thán phục, trầm trồ ngợi khen. Sau gần 2 giờ đồng hồ gặp gỡ với mọi người và chia sẻ trên sân khấu, Anh hùng Lê Duy Ứng chia tay trong sự bịn rịn, xúc động của mọi người, đặc biệt là của các học sinh, ông dặc dò các em hãy gia sức chăm ngoan, học giỏi để sau này đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các bậc cha ông.

                      

- Hoạ sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình); nhập ngũ tháng 9-1971 khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

- Ngày 28-4-1975, khi bị thương hỏng cả 2 mắt, ông đã dùng máu để vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.- Hoạ sĩ Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng, tổ chức gần 50 triển lãm nghệ thuật; giành được 8 giải thưởng nghệ thuật cao quý trong và ngoài nước.

- Ông đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30-10-2013.