Giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng xét xử

08:51, 10/12/2014

Năm 2014, tình hình tội phạm và các vấn đề về mâu thuẫn xã hội diễn ra tiếp tục diễn ra phức tạp, số lượng vụ án thụ lý, giải quyết năm sau luôn cao hơn năm trước. Song, đây cũng là năm mà tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm của những người bảo vệ cán cân công lý, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án.

Năm 2014, TAND hai cấp của tỉnh thụ lý tổng số 5.204 vụ án các loại (tăng 343 vụ so với năm 2013), tỷ lệ giải giải quyết đạt 85% (tăng 130 vụ so với năm trước). Nhìn chung, số án cao hơn khá nhiều so với năm trước nhưng kết quả giải quyết của ngành vẫn đảm bảo và đạt cao. Đặc biệt, điều đáng nói là chất lượng xét xử các loại án so với năm 2013 đã được nâng lên và có chuyển biến tích cực. Số án bị hủy, sửa đã giảm so với năm 2013. Số án bị huỷ: 36/4419 vụ đã giải quyết, chiếm tỷ lệ 0,81%, so với năm 2013 giảm 11 vụ.

 

Mặc dù đã có bước chuyển biến nhưng theo đồng chí Nguyễn Thế Đề, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chánh án TADN tỉnh, đây chưa phải là những con số ấn tượng. Công tác xét xử vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: kết quả giải quyết một số loại án tỷ lệ đạt còn thấp, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa tuy có giảm so với năm 2013, nhưng chưa mạnh, nguyên nhân do số lượng án tăng và tính chất vụ án ngày càng phức tạp, số thẩm phán hết nhiệm kỳ chờ bổ nhiệm lại thường xuyên chiếm khoảng 5%, số án phải chuyển cho Thẩm phán khác giải quyết nên quá tải. Nhiều án bị sửa, hủy còn do lỗi chủ quan của Thẩm phán, chất lượng xét xử của một số hội đồng chưa cao, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, áp dụng pháp luật có hiệu lực cho từng thời điểm phát sinh tranh chấp còn nhiều hạn chế.

 

Để từng bước khắc phục những nhược điểm, yếu kém đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã chỉ đạo kiểm điểm và rút kinh nghiệm kịp thời đối với các hội đồng xét xử có án bị hủy do lỗi chủ quan và cán bộ, công chức có thiếu sót trong quá trình thao tác nghiệp vụ; chấn chỉnh công tác quản lý và giáo dục cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ.

 

Đối với những án được đưa xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm mà bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, lãnh đạo TAND tỉnh tổ chức họp kiểm điểm Thẩm phán và cả hội đồng xét xử đồng thời đánh vào kết quả thi đua của từng thành viên hội thẩm nhân dân (trước đây, hình thức kiểm điểm và đánh vào thi đua chỉ dành cho Thẩm phán). Trong năm 2014, đã có 9 hội đồng xét xử bị đưa ra kiểm điểm và trừ thi đua. Từ đó, mỗi hội đồng xét xử tự rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm trong nghiên cứu hồ sơ, xét xử.

 

Bằng cách làm này, mỗi hội thẩm nhân dân đã tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia hội đồng xét xử. Như vậy, họ phải tự chủ động, nghiêm túc trong nghiên cứu hồ sơ cũng như thể hiện quan điểm của mình trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, TAND tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xét xử để nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, trang bị kinh nghiệm cũng như giải đáp những khó khăn vướng mắc cho các hội thẩm nhân dân khi tham gia giải quyết các loại án. Trong đó, nhiều vụ án điển hình về mức độ phức tạp được đưa ra phân tích, thảo luận và được giảng viên, lãnh đạo TADN tỉnh giải đáp một cách thỏa đáng.

 

Có thể nói, để nâng cao chất lượng xét xử, công tác cán bộ là một trong những yếu tố then chốt của ngành. Nếu như những năm trước vì nhiều lý do (số lượng án lớn, vụ việc phức tạp, thẩm phán làm việc quá tải, quá sức…) mà những hạn chế, thiếu sót của thẩm phán còn được châm trước thì năm 2014 là năm thể hiện sự cương quyết của Ban Cán sự Đảng trong việc chấn chỉnh cán bộ. Điều này thể hiện ở chỗ, Thẩm phán nào có số án số án bị hủy chiếm 1,16% (trong tổng số án mình đã giải quyết), kéo dài do lỗi chủ quan từ 6 đến 9 tháng thì tạm dừng không cho xét xử và trong 1 nhiệm kỳ không bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán. Đặc biệt, đối với thẩm phán có số án bị hủy lên tới 6%, lãnh đạo TAND tỉnh đã dứt khoát không bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán và cho luân chuyển công tác. Theo đó, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã đề nghị cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo TAND cấp huyện đối với 2 trường hợp, kéo dài thời gian bổ nhiệm 8 thẩm phán do có án bị hủy sửa vượt quy định. Lãnh đạo ngành đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 9 thẩm phán và hội đồng xét xử có án bị hủy do lỗi chủ quan; thành lập 3 đoàn kiểm tra giải quyết đơn tố cáo cán bộ; xử lý kỷ luật đối với 2 cán bộ TAND cấp huyện.

 

Cùng với đó, TAND tỉnh đã bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại 9 Thẩm phán sơ cấp và trung cấp; bổ nhiệm mới 2 chánh án, 2 phó chánh án, bổ nhiệm lại 1 phó chánh án TAND cấp huyện; bổ nhiệm và kiện toàn nhiều chức danh của TAND tỉnh; cử hơn gần 60 lượt cán bộ đi học các lớp cao cấp và trung cấp lý luận chính trị, đại học luật, nghiệp vụ xét xử và tập huấn chuyên môn. Trong ngành có tới 36 cán bộ được điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Có thể nói, chưa năm nào, công tác quản lý, xử lý cán bộ lại được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh thực hiện quyết liệt như năm nay.

 

Đồng chí Nguyễn Thế Đề nhận định: Những giải pháp trên đã tạo ra bước chuyển biến khá rõ trong nhận thức cũng như hành động đối với đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của ngành. Tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các Thẩm phán đã được nâng cao. Họ buộc phải chuyên tâm, lo lắng với công việc mình được giao. Từ đó, án tồn đọng và chất lượng xét xử từng bước được nâng lên. Đây cũng là yêu cầu của thực tiễn trong cải cách tư pháp, đề cao vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân và nâng cao uy tín, vai trò của TAND trong việc duy trì, bảo vệ cán cân công lý. Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp có vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.