Kỳ II: Nỗi lo về việc làm ổn định

09:08, 25/12/2014

Bên cạnh những bất cập trong việc xây dựng các khu tái định cư tập trung, những người dân bị thu hồi đất đang phải đối mặt với vấn đề thiếu việc làm. Trên 11.000 hộ dân tương ứng với khoảng 38.000 nhân khẩu và khoảng 26.000 người trong độ tuổi lao động. Những người dân quanh năm quen với công việc nhà nông nay bị thu hồi đất thì sẽ làm gì để lo kế sinh nhai.

Ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Hiện nay, việc tổ chức sàn giao dịch việc làm chủ yếu được mở ở Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, chưa thực hiện được việc mở phiên giao dịch việc làm ở địa phương nên người lao động trên địa bàn ít được tiếp cận với thông tin về việc làm.

Ông Dương Văn Luân, Trưởng xóm Liên Sơn, xã Hồng Tiến (Phổ Yên): Trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư, cơ quan chức năng hỗ trợ một lần số tiền giải quyết việc làm là rất thiết thực. Tuy nhiên, phần lớn người dân gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm mới. Nguyện vọng của đa số người dân bị thu hồi đất là được tạo điều kiện có việc làm ổn định, lâu dài.

Hậu đền bù

 

“Nhận được tiền đền bù, tôi để xây nhà, mua sắm các vật dụng cần thiết, nếu còn dư thì gửi tiết kiệm...” - Câu nói thành thật của bà Ngô Thị Việt ở xóm 13, xã Tân Linh (Đại Từ) đang là nỗi lo chung của những người có trách nhiệm ở Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining). Không ít bài học đáng buồn về việc một bộ phận nông dân sử dụng tiền đền bù đất không đúng mục đích đã dẫn đến những thảm cảnh ở những địa phương có dự án vào đầu tư vẫn còn nguyên tính thời sự.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng (Đại Từ) đưa ra con số: Hiện nay, toàn xã Hà Thượng có khoảng 2.400 lao động có nhu cầu việc làm. NuiPhao Mining đã tổ chức hội thảo về việc làm, thu hút khoảng gần 200 lao động tham gia, nhưng kết quả không có một lao động nào đăng ký đi đào tạo nghề (dù được Công ty hỗ trợ tiền đào tạo) để sau đó về làm việc cho Công ty, mà chỉ muốn được vào làm việc ngay, trong khi trình độ văn hóa phần lớn chưa tốt nghiệp cấp 2. Các chương trình phục hồi kinh tế cũng vậy, họ chỉ nhận tiền hỗ trợ để làm, khi hết tiền thì không làm nữa. Phần lớn người nông dân trình độ còn thấp nhưng lại ngại học hỏi, chỉ muốn có việc làm ngay. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ chia sẻ: Chúng tôi đã mở một lớp đào tạo nghề may cho 200 lao động trong vùng Dự án, sau đó bố trí việc làm cho họ, nhưng đến giờ chỉ còn lại  3 - 4  lao động đang làm việc…

 

Vấn đề hậu đền bù cũng thấy khá rõ ở một số gia đình ở huyện Phổ Yên. Sau khi nhận tiền đền bù, người dân vội vàng xây những ngôi nhà 3, 4 tầng, mua sắm tài sản chi phí đến cả tỷ đồng. Quay đi, quay lại, số tiền đã hết trong khi nghề nghiệp chưa có. Ông Trương Văn Quang, Trưởng xóm An Bình, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) cho biết: Phần lớn các hộ dân trong xóm đã nhận tiền đền bù sớm di chuyển nhường đất xây dựng Khu công nghiệp Yên Bình 1. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền đền bù lên đến hàng tỷ đồng, gia đình nào cũng xây nhà đẹp, mua sắm tiện nghi, thậm chí có gia đình xây nhà xong còn nợ tiền. Cũng vì vậy mà số tiền Nhà nước hỗ trợ để tìm việc làm, các hộ dân hầu như đã chi tiêu hết. Thực tế, mọi người đều muốn tìm việc làm ổn định nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng do trình độ có hạn. Hiện nay, người dân trong xóm đang sống dựa vào các dịch vụ xung quanh Khu công nghiệp Yên Bình 1, giải quyết nhu cầu trước mắt, không mấy ai lo học nghề hoặc tìm việc làm ổn định, lâu dài.

 

Thực tế và nỗi lo giải quyết việc làm

 

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, NuiPhao Mining là đơn vị có nhiều nỗ lực trong vấn đề đảm bảo việc làm, an sinh xã hội với những người dân bị thu hồi đất. Ngoài tạo việc làm trong Nhà máy, NuiPhao Mining còn hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế tại nơi ở mới. Dự án Núi Pháo ảnh hưởng tới khoảng 3.000 hộ dân, tương đương với trên 10.000 nhân khẩu, trong đó có gần 7.000 người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, NuiPhao Mining và các nhà thầu, ở thời điểm cao nhất cũng chỉ có thể giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Hiện tại, số cán bộ, công nhân viên, lao động đang làm việc cho NuiPhao Mining là hơn 1.450 người, người lao động trong tỉnh Thái Nguyên là hơn 1.150 người, trong số này người bị ảnh hưởng bởi Dự án là khoảng 900 người. Như vậy, còn trên 6.000 người đang tìm việc làm bên ngoài nhà máy.

 

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining bày tỏ quan điểm: Bất kỳ người lao động nào cũng muốn được vào làm việc cho Công ty, bởi lương chúng tôi trả cao hơn so với nhiều công ty khác, điều kiện làm việc khá thuận lợi, với các chính sách đãi ngộ ưu việt… Nhưng, Công ty không thể đáp ứng nhu cầu việc làm của tất cả những người lao động có nguyện vọng muốn vào làm việc cho Công ty. Bởi lý do thứ nhất, số lượng tuyển dụng có giới hạn nhất định; thứ hai, người lao động phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực chuyên môn ở từng công việc cụ thể. Trong khi đó, phần lớn số lao động trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án lại có trình độ thấp, không có tay nghề…

 

Đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) thì vấn đề giải quyết việc làm cho người thu hồi đất ít được bàn đến. Công ty đặt ra các tiêu chuẩn và tuyển dụng lao động tại các địa phương khác nhau theo cùng tiêu chuẩn. Số lượng lao động hiện nay của Công ty là gần 30 nghìn người và dự kiến đến cuối năm 2014, Công ty sẽ đạt số lượng 33 nghìn lao động. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của huyện Phổ Yên, dự kiến đến cuối năm 2014, số lao động là người Phổ Yên làm việc tại SEVT vào khoảng 6.900 lao động và chưa có con số cụ thể về người bị thu hồi đất trên địa bàn được Công ty SEVT giải quyết việc làm. Đại diện một số cơ quan có trách nhiệm về giải quyết việc làm đánh giá, với những tiêu chuẩn khắt khe, chủ yếu tuyển dụng lao động trẻ tuổi (dưới 35 tuổi, nhưng thường là dưới 30 tuổi) thì có rất ít lao động bị thu hồi đất được Công ty tuyển dụng.

 

Trong các cuộc họp, bàn diễn đàn gần đây, nhiều ý kiến đã phát biểu về nỗi lo việc làm cho lao động trẻ sau này, nhất là lao động trẻ nằm trong vùng dự án. Các công ty trong khu công nghiệp đã tiếp nhận lao động phổ thông, trẻ tuổi vào làm việc, không đòi hỏi bằng cấp, tay nghề đã sớm giải quyết vấn đề thiếu việc làm của địa phương nhưng đồng nghĩa nguồn lao động có trình độ, trí tuệ tại địa phương đó bị mất đi. 5 đến 10 năm sau, lượng lao động trẻ này không còn đáp ứng yêu cầu công việc của Công ty, mất việc làm thì họ sẽ làm gì để duy trì cuộc sống. Đồng thời cũng có ý kiến lo ngại về thực trạng đào tạo nghề hiện nay chưa gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội. Mặc dù tỉnh ta có nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trong đó có trường đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng người được đào tạo xong vẫn thất nghiệp. Cũng vì vậy mà không mấy ai theo học các trường dạy nghề, cao đẳng.

 

(Còn nữa)