Kỳ III: Cách nào để người dân "an cư lạc nghiệp"

09:19, 25/12/2014

Tình trạng người dân bị thu hồi đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định, hạ tầng kỹ thuật của các khu tái định cư tập trung chậm tiến độ, chưa đồng bộ xảy ra ở khá nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất, tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này vẫn còn khá nhiều khó khăn.

 

Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên: Thời gian tới, huyện Phổ Yên đã có kế hoạch triển khai quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư trước khi di chuyển người dân. Đồng thời tổ chức có hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; tạo điều kiện thủ tục hành chính để người dân bị thu hồi đất chuyển hướng kinh doanh, dịch vụ, thay đổi nghề nghiệp; tuyên truyền phổ biến trên cơ sở quy hoạch, khuyến khích người dân phát triển dịch vụ nhà ở cho công nhân thuê; tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu suất sử dụng những diện tích đất nông nghiệp còn lại; phối hợp với các công ty trên địa bàn, tạo điều kiện xét tuyển lao động bị thu hồi đất…

 

 

 

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo: Nuiphao Minning cam kết ưu tiên tuyển dụng tối đa số lao động trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án; tổ chức các chương trình phục hồi kinh tế; có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm… Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn người dân có tư duy mở, thực tế, chủ động để tự nắm lấy cơ hội nghề nghiệp của mình.

 

 Vướng mắc khó tháo gỡ

 

Theo quy định của Luật Đất đai, trước khi bị thu hồi đất, cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần hoàn thiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thiện khu tái định cư tập trung. Tuy nhiên, do yêu cầu của chủ đầu tư cần giao mặt bằng sớm nên trên thực tế việc bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư được thực hiện cùng lúc, thậm chí việc xây dựng các khu tái định cư triển khai chậm hơn khá nhiều so với dự án chính. Nhiều nhà chuyên môn nhận định, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này, bởi chậm giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư không “ở lại” với địa phương, như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân không thực hiện được. Để “giữ chân” nhà đầu tư, cơ quan chức năng bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Mặc dù chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã hỗ trợ thêm các khoản tiền đặc thù, người dân đã đồng thuận, sớm di chuyển khỏi dự án nhưng vấn đề hậu đền bù không thể giải quyết xong trong “một sớm một chiều”.

 

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác Giải phóng mặt bằng của tỉnh cho biết: Tái định cư được triển khai cùng hoặc sau các dự án chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm so với cam kết với người dân. Đối với những dự án thu hút đầu tư, tốc độ giải phóng mặt bằng có ý nghĩa rất lớn quyết định việc chủ đầu tư dự án lựa chọn đầu tư tại địa phương này hay địa phương khác. Vì vậy mà trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, chủ đầu tư, cơ quan chức năng đã đưa ra các hỗ trợ đặc thù, động viên người dân di chuyển, cam kết sớm bàn giao mặt bằng tái định cư. Tuy nhiên, tại thời điểm người dân di chuyển, các khu tái định cư còn chưa được định hình cụ thể trong khi dự án xây dựng khu tái định cư phải phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, qua các bước khảo sát, thiết kế, lập dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng… nên việc bàn giao mặt bằng không thể nhanh như mong đợi. Cũng như các dự án xây dựng khác, quá trình xây dựng khu tái định cư gặp khá nhiều vướng mắc, thậm chí có trường hợp, chính người dân trong diện di dời để xây dựng tái định cư không đồng thuận chủ trương, chậm di dời nên làm chậm tiến độ.

 

Ngoài ra, cũng phải kể đến khó khăn về vốn của các chủ đầu tư. Sau khi dồn số tiền khá lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng dự án chính, các chủ đầu tư “hụt hơi” không đủ kinh phí lo xây dựng tái định cư hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc phối hợp giữa các ngành Điện, nước chưa thật sự tốt nên việc bố trí hạ tầng điện, nước còn khá chậm so với cam kết. Tại nhiều khu tái định cư, do người dân đang tiến hành xây dựng nhà ở, thường xuyên vận chuyển vật liệu xây dựng nên chủ đầu tư phải tạm dừng xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, vỉa hè… để chống xuống cấp.

 

Nỗ lực ổn định đời sống người dân

 

Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương, chủ đầu tư lập và thực hiện dự án tái định cư, phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trước khi thu hồi theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời có trách nhiệm quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng tái định cư. Đối với những trường hợp chưa thể xây dựng khu tái định cư trước khi triển khai dự án chính, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát kỹ càng các khu vực có tiềm năng đầu tư tại địa phương, lập sẵn quy hoạch chi tiết theo hướng linh hoạt và phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong việc lập phương án xây dựng hạ tầng, bảo vệ quy hoạch, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức… Khi có dự án đầu tư vào địa phương, mọi công tác chuẩn bị đã thực hiện tốt sẽ khiến quá trình xây dựng được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Với những địa phương có quỹ đất rộng, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với nhà đầu tư quy hoạch và xây dựng khu tái định cư kết hợp khu dân cư. Các khu tái định cư này có thêm diện tích đất để bán đấu giá thu tiền cấp quyền sử dụng đất nên có thể chủ động hơn trong việc đầu tư, xây dựng, bên cạnh đó hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư đồng bộ hơn.

 

Đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, các ngành chức năng đã giành nhiều quan tâm đến vấn đề đào tạo, định hướng nghề nghiệp lâu dài cho người dân. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình thực tế, dạy nghề đi đôi với giới thiệu việc làm và đầu ra cho sản phẩm. Các ngành chức năng cũng đã “kéo” được một số doanh nghiệp tích cực tham gia giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tỉnh đã có yêu cầu chủ đầu tư dự án tăng cường phối hợp với tỉnh và các sở, ngành, trường dạy nghề… để đào tạo, giải quyết việc làm cho các lao động thuộc những địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án một cách bài bản và chuyên nghiệp.

 

Trong các cuộc họp bàn gần đây, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan cân đối nguồn hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của tỉnh đã quy định, ưu tiên trước hết cho Dự án Núi Pháo, Samsung. Đối với các địa phương cần thành lập Ban Giải quyết việc làm để chỉ đạo, phân công các thành viên tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực cũng như nhu cầu việc làm của người lao động, sau đó tổng hợp, phân loại, để có kế hoạch đào tạo cho sát với tình hình thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để người dân nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Dự án, và với chính mình trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

 

Trong điều kiện cả hệ thống chính trị của tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư thì khó tránh khỏi cuộc sống của một bộ phận người dân xáo động. Để kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, người dân cần hiểu, đồng thuận, chia sẻ khó khăn với dự án. Đồng thời, có phương án hợp lý sử dụng số tiền đền bù để ổn định cuộc sống lâu dài.