Mẹ đã sinh ra những người Anh hùng

08:45, 06/12/2014

Năm 2014, T.X Sông Công có 20 người được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 5 Mẹ còn sống). Đa phần các Mẹ đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn rất vui mừng khi đón danh hiệu cao quý này…

Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày hai con trai hy sinh, không ngày nào mẹ Đỗ Thị Tẹo ở tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (T.X Sông Công) không nhớ đến các con. Trong ký ức của Mẹ Tẹo, hai liệt sĩ Lưu Xuân Thanh, Lưu Văn Minh vẫn còn sống mãi ở tuổi đôi mươi. Những lúc như thế, Mẹ lại mang di ảnh các con ra ngắm và lặng lẽ khóc.

 

Nheo đôi mắt đầy vết chân chim dõi về phía xa xa, Mẹ Tẹo hồi tưởng lại thời điểm năm 1971, Mẹ lần lượt tiễn hai con nhập ngũ. Ngày đó, bộ đội tập trung đông ở gần chợ Cầu của huyện Phú Bình, theo lệnh di chuyển sang ga tàu Phổ Yên để lên đường. Không ngờ đó là lần cuối cùng Mẹ được nhìn thấy các con. Chưa đầy một năm sau đó, Mẹ như chết đi sống lại vì chỉ trong vòng 10 ngày, Mẹ nhận được 2 giấy báo tử của các con. Nén nỗi đau thương, mất mát, mấy hôm sau, Mẹ vẫn ngày ra đồng làm lụng quần quật, về nhà lại lăn vào đủ thứ việc. Mẹ hiểu, biết bao người mẹ cũng đang phải chịu nỗi đau mất con, để hướng tới một ngày mai đất nước được giải phóng. Nhìn mẹ như thế, những người thân trong gia đình chả ai dám bi lụy nữa.

 

95 tuổi nhưng Mẹ Tẹo vẫn rất minh mẫn. Nâng niu danh hiệu Nhà nước trao tặng cuối tháng 10 vừa qua trên đôi bàn tay gầy guộc, Mẹ Tẹo kể: Hôm lên nhận danh hiệu trên tỉnh, có anh bộ đội dìu Mẹ lên nhận hoa, quà. Rồi Mẹ đọc rành rẽ từng tên gọi của các vị lãnh đạo tỉnh ân cần hỏi thăm sức khỏe các Mẹ. Bỗng Mẹ nghẹn lời, rưng rưng: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Mẹ cảm ơn lắm. Mẹ thấy mình được bù đắp, nỗi đau như vơi đi và luôn tự hào khi các con mình đã cống hiến xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc.

 

Mẹ Tẹo lấy cho chúng tôi xem cả tập thư các anh gửi từ chiến trường mà Mẹ vẫn giữ bên mình suốt mấy chục năm qua. Giờ mắt đã mờ, chân đã chậm, Mẹ bảo cô cháu gái học lớp 8, thỉnh thoảng mang thư ra đọc cho Mẹ vơi đi nỗi nhớ con. Lần nào Mẹ cũng khóc khi nghe những dòng thư cuối cùng anh Lưu Xuân Minh viết trên đường hành quân: “Mẹ ạ! Con giờ đây đã ở trên đất Quảng Bình. Chỉ qua Vĩnh Linh nữa thôi là vào đến miền Nam. Chiến trường ngày càng ác liệt. Chúng con phải đi đêm, ngày nghỉ để tránh bom đạn. Mẹ kính thương! Mẹ sinh con ra, nuôi nấng thành người nhưng chưa đỡ đần được mẹ chút nào, con đã phải đi xa vì việc lớn của nước nhà và không biết có trở lại nữa không. Mẹ ơi, con lớn lên trong thời loạn lạc vì vậy con phải cùng non sông dẹp loạn giành lấy hạnh phúc chứ không thể ngồi yên mà hưởng thụ. Gian khổ càng ngày càng ác liệt, nhưng con xin hứa với mẹ quyết không làm gì để ảnh hưởng đến gia đình và sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ ơi, thương con xin mẹ hãy tin tưởng ngày con trở về, mẹ cứ yên tâm và giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức”.

 

Cũng như Mẹ Tẹo, Mẹ Nguyễn Thị Lẩm, ở tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè năm nay bước sang tuổi 95. Mẹ có hai liệt sĩ là Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Hùng. Lần lượt tiễn hai con xung phong vào mặt trận năm 1963 và năm 1968, những tháng ngày sau đó Mẹ mỏi mắt ngóng trông tin tức của các anh. Cuối năm 1972, nhận được tin 2 con đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam, Mẹ như ngã quỵ. Những ngày sau đó, đôi mắt Mẹ như mờ đi sau bao đêm dài khóc thương nhớ con. Nhưng mẹ luôn tự nhủ mình không thể gục ngã, vì còn phải nuôi các con thơ và nhất là 2 cô con gái bị tật nguyền rất cần có sự chăm sóc. Mẹ hiểu, đã có biết bao gia đình phải chịu nỗi đau mất mát để đổi lại nền độc lập dân tộc và Mẹ tự hào khi con mình đã làm việc có ích. Nuốt nước mắt vào trong, Mẹ lại kiên cường cùng chồng nuôi dạy các con lớn khôn, nên người. Sống giản dị, đúng mực nên Mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như hàng xóm, láng giềng. Nhiều năm liền, gia đình Mẹ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu của phường.

 

Mẹ Lẩm móm mém nói: “Được Đảng và Nhà nước ghi nhận thế này không chỉ tôi mà các con, cháu trong gia đình đều cảm động và vinh dự lắm. Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy như tôi thì chẳng còn mong muốn gì hơn là được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền, của bà con lối xóm. Chắc giờ này ở dưới suối vàng thằng Cường và thằng Hùng nhà tôi cũng thấy ấm lòng…”.

 

Sau hàng chục năm mòn mỏi đợi chờ, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và các đồng đội của hai anh, trong hai năm 2012 và 2014, gia đình Mẹ Lẩm đã đưa được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Hùng từ chiến trường miền Nam về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Con trai Mẹ Lẩm, ông Nguyễn Văn Dũng bảo: Dường như đã thoả nỗi trăn trở bấy lâu, sau khi đưa hài cốt hai anh tôi về quê, mẹ tôi khỏe hơn. Anh em, con cháu chúng tôi đều nhắc nhở nhau hãy nỗ lực phấn đấu để sống xứng đáng, ý nghĩa với danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã trao tặng cho Mẹ.

 

Hiện Mẹ Tẹo cũng biết phần mộ liệt sĩ Lưu Văn Minh đang nằm tại nghĩa trang tỉnh Quảng Trị (anh con trai cả chiến đấu và hy sinh ngoài miền Bắc đã có phần mộ tại Nghĩa trang Dốc Lim). Mong mỏi lớn nhất của Mẹ bây giờ là sớm đưa hài cốt của anh ra an táng tại quê nhà.

 

Những năm qua, Mẹ Tẹo, Mẹ Lẩm và 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống là Dương Thị Năng (xã Vinh Sơn), Dương Thị Thơm (phường Thắng Lợi); Phạm Thị Nhì (xã Bình Sơn) luôn nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Trò chuyện với chúng tôi, các Mẹ đều rất vui, cảm động khi lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các đoàn thể, bà con, chòm xóm đã giúp các Mẹ hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà ngày lễ Tết, giúp ngày công dọn dẹp vườn bãi, thu hoạch mùa màng...