Mở rộng điều trị nghiện ma túy bằng Methadone

15:32, 10/12/2014

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 5,7 nghìn người nghiện ma túy. Sau hơn 3 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, toàn tỉnh đã có trên 1,5 nghìn người đang điều trị bằng Methadone tại 6 cơ sở của 5 huyện, thành phố trên địa bàn. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ nâng số người được điều trị bằng Methadone lên 3,3 nghìn người vào năm 2015, và 3,6 nghìn người vào năm 2020.

Methadone là một chất có tác dụng dược lý tương tự như các chất dạng thuốc phiện nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị. Methadone khi đưa vào cơ thể người nghiện qua đường uống có thời gian tiêu hủy trung bình 24 giờ nên người nghiện chỉ cần sử dụng 1 lần trong 1 ngày là đủ. Ngoài ra, Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài. Phương pháp điều trị mới này với mục tiêu nhằm góp phần làm giảm lây nhiễm HIV; cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; giảm gánh nặng tài chính với người nghiện và xã hội. Tháng 9-2011, tỉnh đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 4 huyện, thành phố với 566 người tham gia.

 

T.P Thái Nguyên là một địa phương triển khai sớm nhất chương trình điều trị bằng Methadone. Nếu như năm 2011, toàn Thành phố chỉ có trên 180 người tham gia điều trị thì tính đến tháng nay, đã có trên 500 người nghiện ma túy trên địa bàn điều trị nghiện ma túy bằng Methadone. Anh V.H.T, 35 tuổi, thường trú tại phường Túc Duyên nghiện ma túy từ đầu những năm 2000. Từ hơn 1 năm trở lại đây, vào buổi sáng mỗi ngày, anh V.H.T, lại đến điểm cấp phát Methadone của Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên để nhận Methadone điều trị thay thế cho heroin như trước khi anh thường dùng. Anh cho biết, bao nhiêu năm sử dụng ma túy là cần đấy năm anh làm cho kinh tế gia đình mình sa sút. Từ khi tham gia điều trị bằng Methadone, anh T đã đoạn tuyệt với ma tuý. Khi tôi tham gia chương trình này, sức khỏe của tôi cải thiện rất nhiều và tăng 3kg so với thời gian trước. Đặc biệt, mọi người biết là tôi đang đi điều trị bằng Methadone thì cũng thân thiện, gần gũi hơn khiến mình tự tin và tham gia lao động, giúp vợ trong công việc bán hàng tạp hóa, tăng thu nhập cho gia đình.

 

Qua điều tra, tại T.P Thái Nguyên đã có tới trên 300 người trong nhóm điều trị duy trì có việc làm mới hoặc quay lại làm công việc trước đây từng làm, trong đó, gần 200 người có thu nhập ổn định. Về thể trọng, trên 60% bệnh nhân điều trị bằng Methadone tăng cân sau 6 tháng điều trị. Ngoài ra, qua công tác xét nghiệm kiểm tra của Trung tâm Y tế thành phố, 90% người điều trị duy trì đã không còn sử dụng ma túy, 10% còn lại vẫn biểu hiện sử dụng ma túy gián đoạn. Kết quả này cho thấy việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn T.P Thái Nguyên đem lại kết quả cao và có tác động tích cực với đời sống xã hội. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh, cùng với T.P Thái Nguyên, kết quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 4 huyện là: Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên và Phú Lương cũng đạt kết quả tích cực.

 

Tính chung trên toàn tỉnh, qua hơn 3 năm triển khai điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng Methadone, lượng người điều trị đã tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm mới triển khai năm 2011. Đánh giá hiệu quả Chương trình của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh cho thấy: Không có bệnh nhân nào xuất hiện triệu chứng quá liều hay tác dụng phụ do Methadone, tình hình sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Sau điều trị, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng ma túy đã giảm từ 100% xuống còn 37,6% trong nhóm bệnh nhân điều trị dưới 6 tháng và 9,1% trong nhóm bệnh nhân điều trị trên 6 tháng; tỷ lệ người bệnh có mâu thuẫn với gia đình cũng giảm từ 38,7% xuống còn 1,1%; bệnh nhân điều trị bằng Methadone cũng được xác định ổn định về sức khỏe, hòa nhập tốt với cộng đồng… Về mặt kinh tế, qua 3 năm, những người tham gia điều trị bằng Methadone đã đem lại hiệu quả kinh tế tới trên 283 tỷ đồng, khi tổng chi phí dành cho điều trị bằng Methadone toàn tỉnh chỉ vào trên 32 tỷ đồng, còn nếu người nghiện mua ma túy sẽ phải chi tới trên 315 tỷ đồng.

 

Với kết quả trên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án Duy trì và Mở rộng chương trình điều trị nghiện và các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020. Đề án đặt mục tiêu sẽ duy trì 10 cơ sở cấp phát thuốc bảo đảm điều trị cho 3,3 nghìn bệnh nhân vào năm 2015 và nâng lên 16 cơ sở cấp phát thuốc bảo đảm cung cấp thuốc điều trị cho 3,6 nghìn bệnh nhân vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Đề án sẽ tăng cường trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể đồng thời đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở y tế; xây dựng và tổ chức đào tạo lại nguồn nhân lực tại các cơ sở điều trị, cấp phát… Ngoài ra, để duy trì và mở rộng điều trị bằng Methadone, Đề án cũng đưa lộ trình xã hội hóa điệu trị theo từng giai đoạn. Cụ thể là đối với người bệnh thuộc diện chính sách sẽ được hỗ trợ 95% kinh phí khám và tiền thuốc. Đối với bệnh nhân không thuộc diện chính sách sẽ được cấp phát thuốc miễn phí đến hết năm 2015, áp dụng thu phí 50% tiền thuốc trong năm 2016 và áp dụng thu phí 100% tiền thuốc mới mức thu 10 nghìn đồng/người/ngày từ năm 2017 đến 2020.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thái Nguyên là một trong 7 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy của cả nước, vì vậy, việc duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị của người nghiện ma túy, góp phần giảm tội phạm do người nghiện gây ra, góp phần ổn định trật tự xã hội, giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình bệnh nhân, giảm chi phí của tỉnh cho việc khắc phục các hậu quả của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV… Đề án triển khai đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án; khẩn trương mở rộng thêm các cơ sở cấp phát thuốc; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về điều trị bằng Methadone đến người nghiện, các gia đình và toàn xã hội.