Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tròn 98 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói sang sảng, đi lại hoạt bát là hình ảnh hiện nay của cụ Hoàng Long Xuyến, cán bộ lão thành Cách mạng, một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân hiện đang định cư ở tổ 3, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ).
Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về những ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng trong thời gian tham gia quân ngũ vẫn còn nguyên trong tâm trí của vị lão thành cách mạng này. Vào thời điểm cả nước đang tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam cũng là thời điểm cụ Hoàng Long Xuyên được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Cụ bảo: Tôi thấy vinh dự lắm khi được nhận danh hiệu cao quý này. Thấy mình phải cố gắng sống tốt hơn nữa để làm gương cho con cháu noi theo.
Cụ Hoàng Long Xuyên, tên thật là Hoàng Văn Tứ, sinh ngày 30-1-1917. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Đông Hoan, thôn Gia Tự, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng), cụ đã sớm giác ngộ cách mạng khi mới bước sang tuổi 21. Năm 1940, cụ tham gia mặt trận Việt Minh, vào Hội Thanh niên cứu quốc rồi được kết nạp vào Đội Trung kiên. Tháng 6-1940, cụ bị địch bắt giam tại Cao Bằng. Do không có chứng cứ buộc tội nên chúng phải thả cụ, sau đó, cụ được đoàn thể Việt Minh rút về hoạt động bí mật. Điều đặc biệt nhất trong cuộc đời người lão thành cách mạng này là năm 1941, cụ đã được Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp cử sang Trung Quốc học Trường sĩ quan Hoàng Phố. Cụ tâm sự: Cái tài của Bác Hồ chính là ở chỗ cho chúng tôi được đi đào tạo về quân sự ngay tại trường đào tạo của Tưởng Giới Thạch - kẻ thù của chúng ta. Từ kiến thức được học, sau này chúng tôi trở về đã áp dụng vào thực tế để sau đó “bách chiến, bách thắng”.
Cuối năm 1944, tốt nghiệp về nước, cụ được phân công về địa phương (quê hương Nam Tuấn) hoạt động phát triển đội vũ trang tự vệ chống khủng bố trắng, hỗ trợ phát triển các hội cứu quốc. Cụ nhớ lại: Cuối tháng 12-1944, trời rét cắt da, cắt thịt nên chúng ta tranh thủ hình thái thời tiết này để đề phòng sự theo dõi của kẻ thù, chiều 22-12-1944 (đúng vào ngày đông chí) tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Do phải đi làm nhiệm vụ, cụ Hoàng Long Xuyên đã về muộn 2 ngày nên không kịp tham gia Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở rừng Trần Hưng Đạo cùng các đồng đội của mình. Dù vậy, ngay sau đó, cụ được giao giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Sau đó, cụ Hoàng Long Xuyên được giao thực hiện nhiệm vụ Đông tiến (tiến quân về tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh) để tiêu diệt kẻ thù. Đầu năm 1945 (vào khoảng tháng 3), cụ được giao giữ chức phân đội trưởng giải phóng quân. Sau đó, cụ đã chỉ huy đơn vị đánh phát xít Nhật tại huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), chiếm kho muối Bản Trại chia cho dân; đánh chiếm đồn Pô Mã, giải phóng xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Đặc biệt, ngày 25-8-1945, cụ đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến vào thị xã Lạng Sơn và giành chính quyền thành công từ tay quân đội Nhật.
Sau khi giành được chính quyền thị xã Lạng Sơn từ tay phát xít Nhật, cuối năm 1945, cụ được giao giữ chức Chi đội trưởng tỉnh Lạng Sơn (nay là Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh). Đến năm 1946, cụ giữ chức Trung đoàn trưởng 11, sau đổi thành Trung đoàn 28 của tỉnh Lạng Sơn để tổ chức huấn luyện, học tập, xây dựng hậu cần, chuẩn bị các chiến dịch tiếp theo. Năm 1949, Trung đoàn 28 đã phối hợp với quân giải phóng nhân dân Trung Hoa mở mặt trận Tả Giang đánh quân Tưởng Giới Thạnh, giúp nước bạn giải phóng các địa phương: Nam Quan, Bằng Tường, Thượng Thạch. Năm 1950, cụ đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 28 tham gia chiến dịch biên giới Thu Đông, giải phóng các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn. Từ năm 1951-1952, cụ được giao chỉ huy Trung đoàn 176 thuộc Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám, tác chiến tại các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Sau đó, Trung đoàn 176 hành quân lên Tây Bắc làm nhiệm vụ… Sau gần 20 năm tham gia quân ngũ, đến năm 1963, cụ được cử đi học nghiệp vụ tại Liên Xô. Trở về nước năm 1964, cụ được bổ nhiệm thêm chức vụ kiêm Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc, quản lý và chỉ đạo công an các tỉnh phía Bắc. Đến năm 1976, giải thể khu tự trị, cụ được điều đồng về công tác tại Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), giữ chức vụ trưởng phòng điều tra hình sự. Năm 1985 cụ được nghỉ hưu và sống cùng con cháu vui hưởng tuổi già. Mong muốn của cụ là được truyền lửa cho lớp trẻ, giúp các cháu hiểu được những truyền thống tốt đẹp của đất nước ta, quân đội ta. Vì vậy, dù tuổi cao nhưng mỗi khi được các trường học mời đến nói truyện với lớp trẻ, cụ vẫn nhận lời.
Một con người quả cảm, gan dạ, làm nên bao chiến công hiển hách và được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen, trong đó có Huân chương Chiến thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1959 và 1962 đã sống ngót một thế kỷ mà vẫn còn minh mẫn như cụ Hoàng Long Xuyên hiện nay không còn nhiều. Theo anh Nguyễn Thanh Phương, Bí Thư Đảng ủy thị trấn Chùa Hang: Chúng tôi tự hào vì có một công dân như cụ Xuyên sinh sống trên địa bàn. Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến Trung ương có sự quan tâm hơn nữa tới vị cán bộ lão thành cách mạng đáng kính này.